Ngày 20/6, tại Thái Nguyên đã diễn ra Hội nghị “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
|
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương.
|
Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, thuộc quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh uỷ Thái Nguyên cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm và kế hoạch 5 năm. Kết quả chủ yếu như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2004-2018 tăng 12,8%/năm, giai đoạn 2004-2008 là 10,73%, giai đoạn 2014 đến nay là 20,13%; trong đó năm 2015 tăng cao nhất là 33,2%...
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp.
GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng (năm 2004) lên 77,7 triệu đồng (năm 2018), gấp 13 lần, tương đương 3.370 USD/người/năm vượt xa mục tiêu đến năm 2020 đạt 2.000 USD/người/năm.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng cao.
Trong 15 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có 2 nhà máy nhiệt điện chạy than (Cao Ngạn, An Khánh). Dự án khai thác và chế biến khoáng sản đa kim Núi Pháo và nhiều nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng với quy mô lớn…
Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, khu du lịch Hồ Núi Cốc đã và đang trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng của vùng…
Dù vậy, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại như: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các ngành kinh tế chủ yếu sử dụng nhiều lao động; phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn; ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp; thiếu các sản phẩm du lịch có chất lượng. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều.
|
ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị.
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị đã ghi nhận những nỗ lực của cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Bước đầu, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp và cơ bản hoàn thành, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 37.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh căn cứ vào các lợi thế, tiềm năng của địa phương đề xuất phát triển những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có thể là “cực tăng trưởng”, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng.
Các cơ quan quản lý của tỉnh cần nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác, liên kết vùng để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và cả vùng. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI phù hợp với đặc thù của đất nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng, nâng cao sức lan tỏa của khu vực này theo hướng có các doanh nghiệp phụ trợ trong nước tham gia để nâng cao giá trị cho quốc gia.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý, tỉnh cần quan tâm phát triển các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cả ở cấp quốc gia và các địa phương. Cần nắm bắt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển các doanh nghiệp thâm dụng lao động từ các thành phố lớn lân cận cũng như các doanh nghiệp từ các quốc gia khác do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại trên thế giới hiện nay, chủ động tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh…
Việc tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và đối với tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên và các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên khẳng định, các đại biểu đều thống nhất cao với dự thảo báo cáo, một số ý kiến tham luận đã làm rõ, bổ sung thêm về từng mặt, từng lĩnh vực, địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị.
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên đề nghị cần có đề xuất với Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp tục có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ, làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, sớm đưa vùng đạt được sự phát triển bằng mức bình quân chung, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Hoàn thiện mạng lưới giao thông; quan tâm, định hướng phát triển trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin tại tỉnh Thái Nguyên.
Theo Chinhphu.vn