Thứ 4, Ngày 4 Tháng 10 Năm 2023 |
Tham dự Chương trình làm việc, về phía Công an tỉnh có Thiếu tướng, Tiến sĩ Rah Lan Lâm – UVBTV Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hữu Trường – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an TP.Pleiku. Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh có đồng chí Siu Hương – Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai; đồng chí Rơ Châm H’Phik- UVBTV Huyện uỷ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQVN huyện Chư Păh, Đại biểu Quốc hội khoá XV và các đồng chí là thư ký, chuyên viên thuộc Đoàn ĐBQH khóa XV.
![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hữu
|
Phát biểu tại buổi làm việc, Thiếu tướng, Tiến sỹ Rah Lan Lâm thông tin: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng trên nền tảng của việc điều chỉnh, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động từ ngay sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 và hiện nay đang hoạt động ở địa bàn cơ sở để kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung mà không phải là thành lập lực lượng mới (các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay sẽ được kiện toàn thống nhất, quy định trong Luật, bao gồm Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay theo quy định của Pháp lệnh Công an xã, các Nghị định của Chính phủ quy định về Luật Bảo vệ dân phố và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng). Đồng thời, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 15 năm thi hành Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về Bảo vệ dân phố, 12 năm thi hành Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và tổng kết thực tiễn hoạt động của lực lượng Dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá là phù hợp, còn giá trị để quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản luật khác.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Hữu
|
Đối với Dự thảo Luật Căn cước, Thiếu tướng, Tiến sĩ Rah Lan Lâm khẳng định: Trên cơ sở pháp lý và thực tiễn Luật CCCD năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập pháp của Nhà nước ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của Nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc đổi mới công tác quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD vào công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết, cần được ưu tiên đầu tư, phát triển.
Đồng chí Siu Hương – Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hữu
|
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Luật CCCD năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh, như: Hiện nay, công dân có nhiều loại giấy tờ tùy thân khác nhau như thẻ Căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ học sinh, sinh viên, thẻ hội viên, thẻ hành nghề... gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong lưu trữ, sử dụng, nhất là trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở nước ta. Luật CCCD không có các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ CCCD nên việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của thẻ CCCD vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, thống nhất; nhiều cơ quan, tổ chức chưa tham gia triển khai vì đây không phải là nội dung được quy định trong luật. Việc giới hạn các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD theo quy định của Luật CCCD nêu trên sẽ gây khó khăn trong thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.
Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hữu Trường – Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu. Ảnh: Nguyễn Hữu
|
Phát biều tại buổi làm việc đồng chí Siu Hương – Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai khẳng định: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 02 Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và dự án Luật Căn cước. Đã có 144 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và có 151 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu đối với dự án Luật Căn cước. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành hai Luật trên; nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý về các vấn đề cụ thể. Đồng thời, nêu một số ý kiến, nội dung cần được phân tích làm rõ thêm về 2 Dự án Luật để quần chúng Nhân dân dễ hiểu và đồng tình ủng hộ, sớm được đưa ra Quốc hội quyết định.
![]() |
Đồng chí Rơ Châm H’Phik- UVBTV Huyện uỷ, Chủ tịch MTTQVN huyện Chư Păh, Đại biểu Quốc hội khoá XV phát biểu nêu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Hữu
|
Đại tá, Tiến sĩ Phạm Hữu Trường – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu nêu rõ quá trình xây dựng Dự án Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở của Bộ Công an đã tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia, đồng thời khẳng định: Trong xu thế hội nhập phát triển của đất nước, việc dự thảo, ban hành 2 Dự án Luật là phù hợp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, vừa góp phần quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm ANTT của các địa phương cũng như của đất nước. Đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, toàn tỉnh có 19.735 đồng chí đang tích cực hoạt động, hỗ trợ bảo đảm ANTT tại 1.576 thôn, làng, tổ dân phố/220 xã, phường, thị trấn, trong đó, có 1.576 đồng chí tổ trưởng, 1.573 đồng chí tổ phó. Có 1.369 đồng chí Công an xã bán chuyên trách công tác tại 196 xã, thị trấn. Thời gian qua, khi lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã theo quy định, trên địa bàn tỉnh Gia Lai Công an và chính quyền địa phương các cấp của tỉnh đã động viên các đồng chí Công an xã bán chuyên trách tiếp tục tham gia công tác bảo đảm ANTT ở địa phương. Qua đánh giá, mặc dù làm việc với tinh thần tự nguyện nhưng các đồng chí đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, áp dụng tốt những kiến thức được trang bị, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở. Nếu Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được thông qua, sẽ là điều kiện thuận lợi để lực lượng dân phòng, Công an xã bán chuyên trách có điều kiện thuận lợi đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng chức năng của Công an tỉnh và Công an TP.Pleiku đã phát biểu giải trình, cung cấp thêm những thông tin cho Đoàn ĐBQH tỉnh. Trong đó, đã khẳng định tầm quan trọng, vai trò, vị trí, ý nghĩa, sự cần thiết ban hành 2 Dự án Luật trên đối với công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và trên địa bàn cả nước nói chung.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, Thiếu tướng Rah Lan Lâm – Giám đốc Công an tỉnh trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các ĐBQH. Đồng chí Giám đốc cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm của các đồng chí trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã đồng hành, ủng hộ những Dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo./.
Nguyễn Hữu – Văn Tân
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0011650103 |
Đang online: | 286 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||
|