Thứ 5, Ngày 14 Tháng 11 Năm 2024 |
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang thiếu gương mẫu, vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông, thậm chí có hành vi không chuẩn mực, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng, nhất là trong việc kiểm tra vi phạm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (vi phạm nồng độ cồn). Cá biệt, có một số trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn giao thông làm chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, chống đối, không hợp tác việc kiểm tra, giải quyết của cơ quan chức năng, gây bức xúc trong Nhân dân. Riêng trong năm 2023 và quý I/2024, lực lượng Công an đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và xác minh gửi thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý đối với trên 7.600 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn.
Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh vi phạm nồng độ cồn bị xử lý và xác minh gửi thông báo về cơ quan đơn vị, nơi cư trú.
|
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chưa nhận thức đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Thủ trưởng, lãnh đạo một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang chưa quan tâm trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; buông lỏng kỷ luật, kỷ cương, thiếu trách nhiệm trong quản lý cán bộ, bao che, không xử lý kỷ luật nghiêm túc, đúng quy định khi cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm để chấn chỉnh, nhắc nhở chung trong cơ quan, đơn vị. Một số vụ tai nạn giao thông do cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn gây ra, việc này làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức, gây bất bình trong Nhân dân.
Công an thành phố Pleiku kiểm tra nồng cồn của người tham gia giao thông.
|
Trước tình hình trên đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, ngày 17/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg để chỉ đạo vấn đề nêu trên, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
- Đối với các bộ, ngành, địa phương: (1) Phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội; (2) Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xứ lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; (3) Đồng thời yêu cầu xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý; (4) Tổ chức triển khai, quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm theo đúng quy định.
- Đối với Bộ Công an: Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm; xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
- Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Nhân dân, giám sát của Nhân dân đối với việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức./.
Duy Hải
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020598980 |
Đang online: | 161 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||