Thứ 6, Ngày 15 Tháng 11 Năm 2024 |
Trong thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành kpị thời các văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Đồng thời đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an toàn PCCC, tăng cường kiểm tra, phúc tra đối với những cơ sở sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp…, tổ chức tuyên truyền trực tiếp 2.228 buổi, có 234.990 người tham gia nghe; tổ chức 69 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC với 13.269 người tham gia; 04 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH với 150 người tham gia. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh được kéo giảm, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ (giảm 12 vụ so với cùng kỳ 2023).
Lực lượng chức năng chữa cháy tại Chùa Vạn Phật.
|
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ luôn tiềm ẩn phức tạp, đơn cử như vào ngày 22/9/2024, xảy ra vụ cháy tại chùa Vạn Phật (số 84/34 đường Chi Lăng, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku). Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, Công an thành phố Pleiku và Phòng PCCC và CNCH đã tổ chức lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý, khống chế không để đám cháy lan sang các khu vực lân cận của chùa, cũng như không ảnh hưởng đến dân cư trong khu vực; không để xảy ra thiệt hại về người.
Có thể thấy, các cơ sở thờ tự không chỉ là nơi tâm linh mà còn hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống dân tộc và phát triển du lịch. Nơi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hỏa hoạn, bởi phần lớn được xây dựng với kết cấu chủ yếu là gỗ, bên trong nhiều đồ dễ cháy như: Tượng gỗ, đồ thờ cúng, vàng mã…
Để bảo đảm an toàn PCCC, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy, nổ; Ban quản lý, người có trách nhiệm, phụ trách cơ sở tôn giáo trên địa bàn cần thường xuyên thực hiện việc tự kiểm tra an toàn PCCC, phát hiện và xử lý kịp thời các tồn tại, vi phạm về PCCC. Quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng hệ thống thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng tại các khu vực chính điện, bàn thờ, bãi xe, các công trình phụ trợ, thay thế các thiết bị hư hỏng, đã sử dụng trong thời gian dài, lắp đặt thiết bị đóng ngắt tự động bảo vệ, không câu mắc ngoài thiết kế…; việc bảo quản, sử dụng hương, nến, đèn dầu, đốt vàng mã và sử dụng khí LPG để đun nấu; niêm yết các nội quy phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để tăng ni, phật tử, giáo dân… biết, thực hiện.
Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC, hướng dẫn thoát nạn an toàn trên loa phát thanh, treo pano áp phích hướng dẫn tại cơ sở để tăng ni, phật tử và du khách biết, xử lý khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn, đặc biệt là trong các ngày diễn ra lễ hội, sự kiện tập trung đông người.
Lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC đối với các cơ sở nhằm bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định, phát hiện, hướng dẫn cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm; xử lý các vi phạm về PCCC theo quy định. Rà soát, bổ sung phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở; bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng xử lý mọi tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể xảy ra; kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh và tổ chức thực hiện công tác PCCC của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, cũng như khách tham quan, người dân, phật tử… yêu cầu khi đi đến các cơ sở thờ tự phải nâng cao ý thức phòng ngừa cháy, nổ nhất là việc sử dụng các thiết bị điện, lửa, đốt vàng mã, vật dụng dễ bị cháy, nổ…tuân thủ theo các quy định của cơ sở tôn giáo.
Minh Huy
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020605518 |
Đang online: | 176 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||