Trong thời kỳ chống Mỹ, ở Gia Lai có Đội Trinh sát an ninh vũ trang A3 gồm 4 người nhưng có đến 2 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân". Một trong những người con ưu tú ấy là anh hùng Ksor Ôi. Ksor Ôi sinh năm 1946 trong một gia đình nghèo nằm bên dòng sông Ba thơ mộng, thuộc buôn Ji, xã Krông Năng, huyện Krông pa, Gia Lai. Mồ côi cha từ nhỏ, Ksor Ôi lớn lên trong tình yêu thương, dạy dỗ của mẹ. Qua sự dìu dắt của những cán bộ cơ sở, tháng 3/1963, Ksor Ôi tình nguyện gia nhập lực lượng Giải phóng quân thuộc đơn vị Huyện đội H2. Vì thông thuộc địa bàn, những trận đánh của lực lượng do anh dẫn đường luôn giành được thắng lợi.
![]() |
Anh hùng Ksor Ôi (Ama Thế) người thứ hai từ trái sang
|
Do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, năm 1965, Ksor Ôi được chuyển sang lực lượng Trinh sát An ninh vũ trang và sau đó anh được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Trinh sát An ninh vũ trang A3 gồm 4 người: Ksor Ôi, Ksor Mal, Ksor Mrial và Kpah Tít. Ksor Ôi thông minh và có tài mưu lược. Anh đánh địch tài tình, quen tay như đi làm nương, làm rẫy. Lúc anh đóng giả lính địa phương để đi vào vùng địch kiểm soát, lúc thì đột nhập vào tận sào huyệt địch để tấn công; khi lại bố trí rải truyền đơn để nhử địch vào tầm phục kích...
Một lần, khoảng tháng 4/1973, tổ trinh sát A3 gồm 3 đồng chí trên đường xuống ErMôk để nắm tình hình thì bất ngờ gặp một trung đội địch hành quân. Trước sự chênh lệch về lực lượng và vũ khí, các đồng chí trong đội đề nghị rút lui để bảo toàn tính mạng nhưng Ksor Ôi hạ lệnh phải đánh địch. Hội ý chớp nhoáng, anh bố trí 2 đồng chí chuẩn bị vũ khí nấp sau một cây lớn, phần anh mỗi tay cầm một khẩu súng (1 AK, 1 K54) chờ địch đến. Khi địch đến thật gần, anh bất ngờ nhảy ra hô lớn: "Chúng mày đã bị bao vây. Muốn sống thì không được bắn. Nếu chúng mày nổ súng thì cả tiểu đoàn bộ đội sẽ giết hết chúng mày. Hãy bỏ súng đầu hàng đi...". Trước sự xuất hiện đột ngột của anh cùng với giọng hô đanh thép, địch không kịp định thần, hoang mang, một số tên run sợ lập tức bỏ súng đầu hàng, dần dần số còn lại cũng bỏ súng đầu hàng theo. Anh ra lệnh cho tất cả 32 tên lên một quả đồi gần đó. Khi thấy không có gì đe dọa đến tính mạng của đồng đội và bản thân, anh làm công tác binh địch vận trong 2 giờ đồng hồ rồi tha chúng về.
Từ những trận đánh vang dội như vậy, uy tín của Đội trinh sát A3 vang lừng. Hễ nghe đến Đội Trinh sát an ninh vũ trang A3 là địch phải nhiều phen kinh hồn, bạt vía. Với đạo đức sáng ngời và những cống hiến to lớn, năm 1995 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân". Đầu năm 2004, anh lâm bệnh rồi mất. Anh thanh thản về với những người bạn chiến đấu năm xưa nhưng phẩm cách, khí tiết và tuổi xuân lẫm liệt, oai hùng của anh vẫn sáng ngời trong trang sử của lực lượng CAND và trong tâm trí của thế hệ trẻ hôm nay.
Trần Công