Thứ 4 , Ngày 21 Tháng 5 Năm 2025
Khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống
Ngày cập nhật: 18/01/2025 |  |   |   | 
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, ngày 26/12/2024 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” (Nghị định 168) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Sau hơn nửa tháng Nghị định 168 đi vào cuộc sống, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai có sự chuyển biến tích cực, đa số người dân đồng thuận, ủng hộ lực lượng chức năng trong việc kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

 

Tăng nặng mức xử phạt với nhiều nhóm hành vi
   

Điểm mới của Nghị định 168 là tăng cao mức phạt tiền so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với một số nhóm hành vi vi phạm thuộc về lỗi cố ý của người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện, tổ chức kinh doanh vận tải là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước.
   

Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông phổ biến như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, chuyển làn; đi ngược chiều, quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; lạng lách, đánh võng; đua xe trái phép; rãi vật sắc nhọn trên đường bộ;...
   

Các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện như: Không có giấy phép lái xe, sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, sử dụng giấy phép lái xe không hợp lệ; giao xe cho người không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông;...


   

Một biển hiệu tuyên truyền Nghị định 168. Ảnh: Anh Quân

 

 

Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về điều kiện phương tiện tham gia giao thông, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như: Xe không gắn biển số, gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che dán biển số; cơi nới kích thước thành thùng xe;...     Một số hành vi, nhóm hành vi vi phạm về vận tải đường bộ như: Chở hàng hóa dạng trụ, hàng hóa là phương tiện mà không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định; chở hàng quá tải; chở quá số người quy định...
   

Đồng thời, Nghị định 168 quy định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính đối với một số nhóm hành vi vi phạm hoặc tái phạm vi phạm nghiêm trọng về quy tắc giao thông, vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện, bảo đảm an toàn trong vận chuyển hàng hóa, hành khách...
   

Một số mức phạt cụ thể như: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm không  chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, mức phạt tiền được nâng từ 4 - 6 triệu đồng lên 18 - 20 triệu đồng; vi phạm nồng độ cồn từ 0,25mg - 0,4mg/l khí thở hoặc từ 50mg- 80mg/100ml máu sẽ tăng mức xử phạt thêm 2 triệu đồng (từ 16-18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng). Một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 đến 30 lần; quy định về quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... cũng được cụ thể hóa với mức phạt tăng mạnh 2-3 lần.
   

Tăng sức răn đe, phòng ngừa tai nạn
   

Việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông nhằm “đánh” vào vấn đề tài chính, hiệu quả răn đe cao, giúp người dân ý thức hơn về việc chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Việc áp dụng Nghị định 168 nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao từ Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Đổng ở tổ 2, phường Diên Hồng, TP. Pleiku cho biết: “Nghị định của Nhà nước ban hành tất nhiên đã được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng, tôi tin là sẽ đem lại lợi ích cho toàn dân. Bản thân tôi rất hoan nghênh việc lực lượng Công an kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Thực tế những ngày qua, tôi nhận thấy quanh khu vực tôi sinh sống, bà con sợ bị phạt nhiều tiền nên đi đứng cẩn thận hơn, không vượt đèn đỏ hay phóng nhanh, vượt ẩu như trước nữa”.

 

Lực lượng Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Anh Quân

 

 

Theo tổng hợp từ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, từ ngày 1/1/2025 đến nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị định 168, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến các tầng lớp Nhân dân; lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát; qua đó phát hiện hơn 3.300 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hơn 2.580 trường hợp với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng; tạm giữ 6 xe ô tô, 363 xe mô tô, 1.850 giấy tờ xe các loại. Đáng lưu ý, sau khi Nghị định 168 đi vào cuộc sống, số trường hợp vi phạm giảm 542 trường hợp so với cùng kỳ năm 2024; tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai được kéo giảm cả 3 chỉ số so với thời điểm trước khi Nghị định 168 có hiệu lực. Đây là con số “biết nói”, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, cho rằng Nghị định 168 có “hiệu quả bằng 0”, “đem đến kết quả ngược”. Ông Phan Hữu Hiếu - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai cho biết: “Văn phòng Ban sẽ tập trung tham mưu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về triển khai Nghị định 168; từ đó giúp người dân thay đổi hành vi theo hướng tích cực khi tham gia giao thông; góp phần vào xây dựng văn hóa giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh”.

 

Để hiểu nội dung, mục đích và hiệu quả mà Nghị định 168 đem lại một cách khách quan, người dân nên truy cập vào các trang web như: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông để nghiên cứu, nắm vững Nghị định. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền người thân, bạn bè, bà con lối xóm… để biết, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.


                                Anh Quân - Thúy Trinh


Mới nhất