Thứ 4 , Ngày 16 Tháng 7 Năm 2025
Trang chủ » Tin tức - Sự kiện
Chiến công của An ninh Gia Lai trong Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975
Ngày cập nhật: 28/04/2025 |  |   |   | 
Cách đây 50 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã đập tan chế độ Việt Nam cộng hòa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại Gia Lai, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân trong tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đã nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn vào ngày 17/3/1975. Trong chiến thắng vĩ đại đó, lực lượng An ninh Gia Lai (nay là Công an Gia Lai) đã lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.

 

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, tương quan lực lượng giữa ta và địch có những thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta, Hội nghị Bộ Chính trị (30/9 - 07/10/1974) và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 08/01/1975) đã bàn kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng đang tiến hành thì nhận được tin chiến thắng Phước Long, tình hình chiến sự sau Phước Long giúp Bộ Chính trị củng cố thêm quyết tâm chiến lược, bổ sung và hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, cụ thể: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã hoạt động quân ngụy…giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà”.

 

Lực lượng Công an phối hợp đánh chiếm các mục tiêu của địch ở Pleiku, năm 1975

 


Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược trong năm 1975 và chọn thị xã Buôn Mê Thuột làm mục tiêu chủ yếu để đánh trận then chốt mở đầu và quyết định của chiến dịch. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ngày 13 và 18/02/1975, Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức hội nghị mở rộng ra Quyết nghị huy động toàn quân, toàn dân tập trung mọi nguồn lực đưa các hoạt động quân sự phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng tiến lên đánh địch, tạo thời cơ, điều kiện thuận lợi tiến tới giải phóng tỉnh nhà trong đầu năm 1975.


Thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy, được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban An ninh tỉnh Gia Lai đã họp bàn thống nhất kế hoạch, xây dựng phương án cho từng bộ phận nghiệp vụ, đồng thời xem xét lại khả năng tổ chức, điều động bố trí thích hợp, tăng cường cán bộ cho các địa bàn trọng yếu, nhất là thị xã Pleiku và An Khê, giao nhiệm vụ cụ thể cho an ninh các huyện và các đồng chí cấp trưởng phải trực tiếp chỉ huy tận cơ sở; tập trung nắm diễn biến tư tưởng của ngụy quân, ngụy quyền, các phe phái đối lập; âm mưu phá hoại của địch kể cả khi chúng thất bại, rút chạy; vẽ sơ đồ và đánh dấu các nơi đóng quân, các cơ quan quan trọng của địch, các mục tiêu chiếm lĩnh của an ninh. An ninh tỉnh theo dõi bảo vệ các hành lang, an ninh huyện được lập thêm trại giam, chuẩn bị thêm lương thực, kiểm tra, củng cố hệ thống thông tin liên lạc, bảo đảm nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời, phục vụ chuẩn bị toàn diện cho chiến trường. An ninh các huyện, các đội trinh sát vũ trang…đều có kế hoạch cụ thể, kiểm tra, chuẩn bị vật chất, phương tiện, vũ khí, sẵn sàng vào trận chiến đấu mới với ý chí thống nhất, quyết tâm và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.

 

Nhân dân Pleiku mừng ngày giải phóng đất nước.

 


Thị xã Pleiku là hướng trọng điểm, do đó Ban An ninh tỉnh tập trung lực lượng, chỉ đạo an ninh thị xã tổ chức nắm tình hình trong nội thị, lên sơ đồ ranh giới các ấp, các trục đường, đánh dấu các mục tiêu an ninh cần tiếp quản khi giải phóng. Đồng thời an  ninh thị xã lót trước vào nội thị để tiếp xúc cơ sở phát triển thêm lực lượng, tạo chỗ đứng chân an toàn phục vụ lãnh đạo, chỉ huy vào trực tiếp chiến đấu. An ninh huyện và xã vùng được giải phóng chuẩn bị kế hoạch, phát động quần chúng, hỗ trợ cho nhân dân vùng địch kiểm soát nổi dậy diệt ác phá kìm, phối hợp chặt chẽ phong trào quần chúng với công tác bảo mật phòng gian, tiếp tế, ủng hộ, dẫn đường cho bộ đội ta vào nội thị.


Theo kế hoạch đã định, ngày 17/3/1975, tất cả các lực lượng từ các mũi, các tổ công tác đã đồng loạt chiếm lĩnh các mục tiêu: Bộ Chỉ huy Cảnh sát Pleiku, Trung tâm cải huấn, Cơ quan Đại đội Cảnh sát dã chiến 202, Trụ sở Đảng Dân chủ, Trụ sở cơ quan CIA, Ty Sắc tộc, dân vận, chiêu hồi, chiến tranh tâm lý. Đồng thời phối hợp với các lực lượng quân sự địa phương tổ chức tuần tra canh gác, bảo vệ các cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ các mục tiêu sau khi đã chiếm lĩnh; tổ chức các tổ trinh sát, Cảnh sát, An ninh vũ trang tuần tra lưu động, thực hiện lệnh giới nghiêm, phối hợp triển khai các đồn và trạm kiểm soát phục kích dọc đường 14, 19, số 7A (nay là quốc lộ 25) chặn địch rút chạy. Kịp thời truy quét bọn tàn binh và bảo vệ thu hồi tài sản cho Nhà nước và nhân dân trị giá hàng nghìn triệu đồng.

 

Công an Gia Lai nhận Huân Chương Hồ Chí Minh (1985)


Gia Lai được giải phóng, hòa chung với chiến thắng lịch sử, lực lượng An ninh Gia Lai thấy rõ trách nhiệm của mình còn rất nặng nề, lực lượng An ninh tỉnh tiếp tục nhiệm vụ mới, tiếp quản các cơ quan Cảnh sát, Tòa án, các trụ sở của bọn tình báo, trại giam, giải phóng đồng bào và cán bộ ta bị địch giam giữ, đồng thời phối hợp với các mũi tiến công khác chiếm lĩnh khu Tòa Hành chính, Dinh Tỉnh trưởng và các cơ quan hành chính khác. Tại các địa điểm trên, lực lượng An ninh đã tổ chức thu giữ và bảo quản hồ sơ, tài liệu của địch, tổ chức các tổ an ninh ở các phường, ấp để ổn định tình hình và giữ gìn trật tự trị an. Kịp thời tổ chức việc đăng ký trình diện cho số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động. Đến tháng 6-1975, toàn tỉnh đã có hơn 16.124 tên ngụy quân, hơn 14.361 nhân viên ngụy quyền, hàng trăm tên FULRO ra trình diện. Riêng ở thị xã Pleiku có 1.725 nhân viên ngụy quyền, 369 cảnh sát và hơn 2.000 đảng viên các đảng phái phản động ra trình diện. Kết hợp với công tác tiếp nhận khai báo trình diện, lực lượng An ninh tiến hành truy quét, lập hồ sơ, bắt tập trung cải tạo những tên ác ôn còn lẩn trốn, những tên có nhiều tội ác với cách mạng có biểu hiện chống đối. An ninh trật tự trên toàn tỉnh nhanh chóng được thiết lập ổn định.


Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng bộ; sự lãnh đạo sâu sát về nghiệp vụ của An ninh Khu V; chi viện thường xuyên của Bộ Công an; sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, lực lượng An ninh Gia Lai đã từng bước trưởng thành về mọi mặt. Vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Kết hợp với các lực lượng cách mạng, liên tục tiến công địch, tập trung đánh thắng bọn tình báo, gián điệp, bọn tề ngụy, ác ôn, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ, góp phần cùng quân dân trong tỉnh đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gia Lai.
Ghi nhận những cống hiến to lớn của lực lượng An ninh Gia Lai trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, 6 đơn vị và 2 cá nhân vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và các phần thưởng cao quý khác. Năm 1985, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh.


Phương Huyền


Mới nhất