Thứ 6, Ngày 1 Tháng 11 Năm 2024 |
Hành vi đánh bạc khá phổ biến trong xã hội Việt Nam, nó có thể diễn ra mọi nơi, trong các dịp lễ tết, hội họp đông người... Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, chỉ riêng trong năm 2020, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt 46 vụ, 310 đối tượng, khởi tố 42 vụ, 177 bị can liên quan đến đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Trong đó, có một số vụ đánh bạc với quy mô rất lớn, hoạt động tinh vi điển hình như:
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh phối hợp Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an, Công an các địa phương phát hiện 02 vụ đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet vào các ngày 23/09/2020 và 28/12/2019, thu giữ gần 1 tỷ đồng tiền mặt và nhiều tài sản giá trị khác. Hoặc vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc tại thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm vào ngày 22/11/2020; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Krông Pa bắt quả tang 13 đối tượng đang đánh bạc (dưới hình thức xóc đĩa) do đối tượng Trần Văn Bình (SN 1976, trú thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, Krông Pa) tổ chức; thu giữ: 435.035.000 đồng tiền mặt và nhiều tài sản giá trị khác.
Các đối tượng cùng tang vật vụ đánh bạc phát hiện ngày 02/03/2021 tại huyện Đak Pơ
|
Vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay hành vi đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Tội đánh bạc trong Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
a) Theo Điều 321 quy định về tội đánh bạc: về tội này hành vi đánh bạc trái phép thắng thua bằng tiền dưới bất kỳ hình thức nào được thua thắng bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 trở lên hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ Luật hình sự hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ Luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Nhẹ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù 06 tháng, nặng sẽ bị phạt tù tối đa tới 7 năm; kèm theo đó, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
b) Cách tính tiền, giá trị vật dùng để đánh bạc để xem xét xử lý hình sự tội đánh bạc: Không tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ từng lần để xem xét như sau:
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc;
- Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó;
- Trường hợp đánh bạc từ 02 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
- Trường hợp đánh bạc từ 05 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp” .
c) Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc:
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ trên chiếu bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;
- Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, ngoài tiền và hiện vật sử dụng để chơi bạc (được trực tiếp tại chiếu bạc), những tài sản trên người gồm cả tiền và hiện vật bị cơ quan chức năng thu giữ mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” thì cũng sẽ được xác định là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc.
2. Xử lý vi phạm hành chính hành vi đánh bạc: Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tư, an toàn xã hội; phòng, chống, tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:
- Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;
- Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
- Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;
- Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.
b) Ngoài ra, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có đối với hành vi đánh bạc.
BBT
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020404768 |
Đang online: | 960 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||