Thứ 6, Ngày 1 Tháng 11 Năm 2024 |
Do nhu cầu cần vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận với nguồn vốn từ các hệ thống tín dụng nên một số người dân tìm đến các cá nhân, doanh nghiệp để vay tiền, cầm cố tài sản, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao hơn ngân hàng. Với thủ tục cho vay đơn giản, không cần thế chấp, cầm cố tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, người vay nhanh chóng nhận được số tiền mình cần. Từ đó nhiều người rơi vào vòng xoáy của “tín dụng đen”.
Trên địa bàn tỉnh phổ biến hai loại hình cho vay, đó là cho vay tiền gộp (hay còn gọi là vay “Bát họ”), nghĩa là vay ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày và “Vay nóng”, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, sau đó có thể thỏa thuận gia hạn thêm. Ngoài ra, phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mua nợ vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…), hoặc hàng hóa phục vụ sinh hoạt (xe máy, gạo, hàng tiêu dùng…) có tính lãi, nếu trả bằng sản phẩm nông nghiệp, đến mùa thu hoạch, người vay, mua nợ hàng hóa phải bán sản phẩm cho chủ nợ, trường hợp sản lượng không đủ trả, thì số tiền nợ còn lại sẽ tiếp tục tính lãi cho đến mùa thu hoạch sau.
Tuyên truyền pháp luật về phòng ngừa, đấu tranh “tín dụng đen”
|
Hoạt động “tín dụng đen” ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức, núp bóng cơ sở kinh doanh tài chính, cầm đồ, xây dựng…, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, triệt để lợi dụng mạng xã hội, mạng viễn thông, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước để hoạt động và đối phó với cơ quan chức năng. “Tín dụng đen” đã gây nhiều hệ lụy, làm người vay khánh kiệt tài sản khi khoản lãi phải trả quá lớn, lãi chồng lãi, hoạt động cho vay, lấy nợ là nguyên nhân phát sinh nhiều vụ án nghiêm trọng, nhất là các vụ khủng bố về tinh thần, gây thương tích, giết người, cưỡng đoạt tài sản, bắt, giữ người trái pháp luật… làm mất an ninh trật tự, gây bức xúc dư luận. Hầu hết nạn nhân có tâm lý không muốn khai báo, chỉ khi không còn khả năng chi trả, bị dồn đến đường cùng, đối tượng cho vay gây án, nạn nhân báo lực lượng chức năng.
Trước thực trạng phức tạp của hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh tăng cường nắm, phân tích, dự báo tình hình, tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, huy động các ngành, đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân tham gia, tổ chức hiệu quả nhiều kế hoạch chuyên đề phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi “tín dụng đen”. Tập trung quản lý chặt di biến động của số đối tượng cho vay, đòi nợ thuê, số đối tượng, nhóm đối tượng hoạt động liên tỉnh, liên huyện, không để các đối tượng lộng hành.
Chính sách tín dụng hỗ trợ người dân đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế
|
Từ năm 2018 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an toàn tỉnh khởi tố 43 đối tượng cho vay nặng lãi; bắt, khởi tố 40 đối tượng giết người, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản… có nguyên nhân từ hoạt động “tín dụng đen”. Kiểm tra 600 lượt cơ sở cầm đồ, xử phạt 38 cơ sở vi phạm; xử phạt 28 cá nhân về hành vi cho vay lãi suất cao, số tiền hơn 200 triệu đồng; phối hợp xử lý 42 đối tượng có hành vi treo, dán quảng cáo cho vay, thu giữ, tháo gỡ gần 12.000 biển, 25.000 tờ rơi, quảng cáo.
Điển hình: Qua công tác nắm tình hình, ngày 13/12/2018, Công an tỉnh bắt, khởi tố vụ án, khởi tố 15 bị can là nhân viên của Công ty TNHH Nhất Tín Phát Gia Lai do Đặng Thế Biên cầm đầu, hoạt động cho vay lãi nặng liên huyện từ tháng 4 đến tháng 12 năm 2018, với lãi suất từ 3000 đồng - 4000 đồng/01 triệu/01 ngày, thu lợi bất chính trên 1,2 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 05/01/2020, các đơn vị chức năng của Công an tỉnh kiểm tra cơ sở kinh doanh cầm đồ Phát Lộc bắt, khởi tố 07 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng với lãi suất cho vay 5.000 đồng - 10.000 đồng /01 triệu/01 ngày, thu lợi bất chính hơn 4,8 tỷ đồng…
Thi hành lệnh bắt nhân viên cơ sở kinh doanh cầm đồ Phát Lộc
hoạt động cho vay nặng lãi |
Bên cạnh đó, lực lượng Công an chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể tổ chức 2.500 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với khoảng 215.000 lượt người tham dự, đăng phát hơn 2.000 tin, bài, phóng sự về các vụ việc điển hình; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn, hệ lụy của “tín dụng đen” để người dân nâng cao cảnh giác gắn với thông tin rộng rãi giúp người dân tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi.
Cùng tham gia góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh các chương trình, chính sách phát triển kinh tế, tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng cường khuyến nông, hỗ trợ, khuyến khích người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống nhân dân; một số dự án hiệu quả như: Dự án trồng mía giống mới, Dự án sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh... Các tổ chức đoàn, hội duy trì hiệu quả các Câu lạc bộ, Quỹ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nổi bật là: Ra mắt 44 Câu lạc bộ Phụ nữ nói không với “tín dụng đen”; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh giải ngân hỗ trợ hơn 27 tỷ đồng qua 326 tổ nhóm, hỗ trợ 3.176 thành viên hội viên, giúp chị, em có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, từng bước thoát nghèo, giảm dần tình trạng vay nóng, mua hàng hóa với lãi suất cao tại cơ sở. Ngành ngân hàng tích cực mở rộng các chương trình tín dụng sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ, khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, hạn chế người dân tìm đến các nguồn vay không chính thức lãi suất cao.
Nhờ đó, quyết tâm của lực lượng Công an, sự nỗ lực của các ngành, đoàn thể cùng sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn dần được đẩy lùi, tính đến tháng 6 năm 2021, số đầu mối cho vay, bán nợ hàng hóa lãi suất cao trên địa bàn tỉnh giảm 48,5% so cuối năm 2018. Nhiều nhóm đối tượng, cá nhân cho vay lãi nặng bị xử lý đã ngưng hoạt động hoặc tan rã; hoạt động dán tờ rơi, quảng cáo cho vay không còn công khai, phổ biến; các vụ phạm tội liên quan cho vay, thu nợ giảm; số người đồng bào dân tộc thiểu số vay, mua nợ hàng hóa giảm đáng kể; qua đó góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Văn Phương
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020406655 |
Đang online: | 502 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||