Thứ 6, Ngày 1 Tháng 11 Năm 2024 |
Nằm trên trục Quốc lộ 19, tiếp giáp về phía Đông thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa có diện tích tự nhiên 98.866,02 ha, toàn huyện có 16 xã, 01 thị trấn với 111 thôn làng, tổ dân phố và hơn 130.000 nhân khẩu, trong đó 57,89% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện không ngừng chuyển biến mạnh mẽ, tích cực; nhiều công trình, dự án đầu tư kinh tế, cơ sở hạ tầng đã và đang triển khai góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân; tình hình ANTT của huyện tiếp tục được củng cố, giữ vững ổn định. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển kinh tế - xã hội đã tác động, làm nảy sinh nhiều vấn đề tiềm ẩn phức tạp về ANTT; một số loại tội phạm, tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, đánh bạc, ma tuý, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Với vai trò nòng cốt tham mưu, thực hiện công tác bảo đảm ANTT, Công an huyện Đak Đoa đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế xã hội địa phương. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân; chủ động, kịp thời thông tin, hướng dẫn người dân biện pháp chủ động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tính mạng, tài sản, nâng cao tinh thần cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và là giải pháp chiến lược lâu dài, từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, Công an huyện đã khéo léo khai thác, vận dụng hiệu quả các tiến bộ của khoa học công nghệ, đặc biệt là các tiện ích của mạng xã hội facebook, Zalo, kênh Youtube để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này.
Tháng 3/2020, mô hình “Hệ thống Kênh thông tin về ANTT; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và CCHC trên mạng xã hội” được thành lập, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với người dân; thông tin thường xuyên, kịp thời tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm giúp Nhân dân đề cao cảnh giác, chủ động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tính mạng, tài sản và đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm ANTT; hỗ trợ thực hiện công tác CCHC phục vụ nhân dân.
CBCS Công an huyện tuyên truyền, giới thiệu mô hình cho người dân biết tham gia .
|
Mô hình hoạt động dựa trên hệ thống 25 trang Fanpage Facebook chính danh; 01 Group Facebook; 18 tài khoản Zalo Official Account và 01 kênh Youtube do Công an huyện thiết lập kết nối rộng rãi với người dân trên địa bàn. Chỉ hơn 1 năm thành lập, mô hình đã tiếp nhận được hơn 10.000 thành viên, trong đó có hơn 3.000 thành viên tương tác tích cực; đã đăng tải, chia sẻ tổng cộng 10.894 thông tin, bài viết) trực tiếp đến hộp thư thoại Zalo của người dân 1.689 lượt; biên tập, xây dựng được 06 video tuyên truyền và đăng tải, chia sẻ hàng trăm video liên quan đến ANTT; thu hút hơn 432.000 lượt thích, 18.241 lượt chia sẻ, hơn 60.000 lượt bình luận và hơn 21.000.000 lượt tiếp cận. Nội dung các tin, bài, video, hình ảnh đã tuyên truyền, thông tin, tác động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phát huy trách nhiệm, hành động của quần chúng nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ; cảnh giác đấu tranh, tố giác các loại tội phạm; chủ động thực hiện tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tài sản. Người dân đã chủ động tương tác, trao đổi thông tin với lực lượng Công an hơn 8000 tin nhắn, hình ảnh, video liên quan các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm ANTT, cải cách hành chính, xây dựng lực lượng Công an… Trong đó, có 15 thông tin có giá trị liên quan đến ANTT (07 tin về các phương thức lừa đảo mới chiếm đoạt tài sản, 08 tin báo về trật tự an toàn xã hội); cung cấp thông tin 34 trường hợp có “nghi vấn” liên quan dịch Covid-19 nhưng chưa thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế để thực hiện phòng chống dịch; 23 tin báo, hình ảnh vi phạm pháp luật giao thông đường bộ; 243 tin báo, góp ý công tác xây dựng cơ quan, tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động xã hội, bảo đảm ANTT; 2.000 trường hợp tin nhắn hỏi đáp thắc mắc về các thủ tục hành chính và đặt lịch hẹn giải quyết thủ tục hành chính…
CBCS Công an huyện hướng dẫn người dân sử dụng mạng xã hội tham gia mô hình.
|
Thông qua mô hình, đã giúp lực lượng Công an huyện Đak Đoa làm rõ 08 vụ trộm cắp tài sản; bắt, xử lý 14 đối tượng; xác minh, xử lý 07 thông tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời ngăn chặn được 4 trường hợp; đăng tải 66 thông tin cảnh báo nâng cao cảnh giác của người dân; kiểm tra, làm rõ, gửi thông báo vi phạm pháp luật giao thông đường bộ đến 19 trường hợp chủ phương tiện và lập biên bản, quyết định xử phạt hành chính 7 trường hợp với số tiền 9 triệu đồng; ngăn chặn 11 vụ thanh niên tụ tập đua xe, điều khiển xe lạng lách, đánh võng, “nẹt pô” gây mất ANTT, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân; tiếp nhận, trả lời 893 lượt thắc mắc của người dân liên quan thủ tục hành chính, pháp luật, chế độ chính sách; tiếp nhận, xếp thứ tự giải quyết thủ tục cấp căn cước công dân cho hàng ngàn trường hợp...
Có thể khẳng định, mô hình “Hệ thống Kênh thông tin về ANTT; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và CCHC trên mạng xã hội” của Công an huyện Đak Đoa đã và đang hoạt động rất hiệu quả, là điển hình trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; góp phần đổi mới, đa dạng, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm ANTT, giáo dục pháp luật, quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội, cải cách hành chính phục vụ nhân dân và vận động toàn dân tham gia bảo đảm ANTT… So với các hình thức tuyên truyền truyền thống thì tuyên truyền qua mạng xã hội có nhiều tính ưu việt như thông tin phong phú, đa dạng, dễ hiểu và có thể kèm theo rất nhiều hình ảnh, video minh hoạ sinh động; việc chuyển tải đến người dân nhanh chóng, kịp thời hơn; đối tượng tiếp cận rộng, đông đảo; người tiếp nhận thông tin có thể chủ động theo dõi, nhận biết và tương tác…
Mô hình đã được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp Công huyện Đak Đoa tham mưu Lãnh đạo Công an tỉnh báo cáo đề xuất Bộ Công an nhân rộng trong toàn quốc để nghiên cứu, vận dụng phục vụ công tác bảo đảm ANTT. Đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, phát huy ưu điểm, khắc phục tốt các tồn tại, hạn chế như: Yêu cầu người tham gia tương tác phải có thiết bị thông minh (smartphone) kết nối mạng Internet; triển khai đến số đối tượng ít thông thạo, am hiểu về mạng xã hội, người lớn tuổi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc các địa bàn cơ sở hạ tầng, mạng internet chưa tốt... để nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình.
Lê Hồng Phong
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020405298 |
Đang online: | 1044 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||