Thứ 5, Ngày 21 Tháng 11 Năm 2024 |
Câu hỏi 1: Luật cư trú mới sẽ bỏ sổ hộ khẩu phải không? Vậy người dân đăng ký cư trú như thế nào?
Trả lời: Luật cư trú năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Tại Điều 38 của Luật, kể từ ngày 01/7/2021, chính thức bỏ việc quản lý cư trú bằng Sổ hộ khẩu giấy và Sổ tạm trú; đồng thời, thay thế việc đăng ký, quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức đăng ký, quản lý bằng công nghệ thông tin. Những thông tin liên quan nơi thường trú, tạm trú của công dân sẽ được cập nhật, điều chỉnh trên CSDL quốc gia về dân cư và các cơ quan, tổ chức, cũng như công dân có thể khai thác, sử dụng Các dữ liệu được bảo mật an toàn tuyệt đối, không lo lộ lọt, mất dữ liệu thông tin cá nhân.
Theo đó, người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú hoặc tạm trú sẽ được cơ quan Công an cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì cấp Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như trước đây. Thời gian giải quyết thủ tục cũng giảm còn 7 ngày (so với trước đây là 15 ngày làm việc). Mỗi người dân sẽ được cấp một mã số định danh cá nhân từ cơ sở dữ liệu. Số định danh cá nhân được mã hóa bao gồm các thông tin cơ bản của công dân như họ tên, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay… được sử dụng để phục vụ giao dịch dân sự, giải quyết các thủ tục hành chính mà không cần mang theo sổ hộ khẩu.
Câu 2: Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú đã cấp cho người dân trước đây, sau ngày 01/7/2021 có còn giá trị không? Nếu thông tin mâu thuẫn nhau thì người dân phải làm sao?
Trả lời: Theo Khoản 3, Điều 38 quy định của Luật, trường hợp người dân đã được cấp Sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú trước ngày 01/7/2021 thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022.
Tuy nhiên, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, tạm trú thì cơ quan Công an có trách nhiệm thu hồi và thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong CSDL về cư trú theo quy định pháp luật và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Lưu ý, tại Khoản 3, Điều 38, Luật cư trú sửa đổi cũng đã quy định trường hợp thông tin trong hộ khẩu khác với thông tin trong CSDL về cư trú thì sử dụng thông tin trong CSDL về cư trú. Do đó, người dân cần kê khai đúng, chính xác các thông tin của cá nhân nhằm tránh tình trạng sai lệch, ảnh hưởng đến thông tin khi thực hiện các giao dịch dân sự cũng như các thủ tục hành chính.
Cán bộ Công an phường Yên Thế tiếp nhận, hướng dẫn công dân kê khai, bổ sung các thông tin liên quan hồ sơ đăng ký cư trú.
|
Câu 3: Em muốn đăng ký thường trú ở thành phố Hồ Chí Minh thì thủ tục mới có khác so với Luật cư trú trước hay không? Có phải tạm trú nhiều năm mới đủ điều kiện được đăng ký cư trú không ạ?
Trả lời: Luật cư trú 2020 không còn quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương kể cả thành phố Hà Nội hay Hồ Chí Minh và không cần điều kiện phải có tạm trú trong thời gian nhất định. Điều kiện đăng ký thường trú tại 63 tỉnh, thành phố là như nhau, không có sựu phân biệt và áp dụng chung, thốn nhất trên toàn quốc nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân. Quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp. Theo đó, người dân chỉ cần có 1 trong các điều kiện theo quy định mới tại Điều 20 Luật cư trú để được đăng ký thường trú, cụ thể:
- Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con...
- Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú.
Câu hỏi 4: Tôi có nghe thông tin nếu không cư trú liên tục tại nơi đăng ký thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú, thực hư ra sao? Nếu muốn bảo đảm quyền tự do cư trú, tôi phải làm gì?
Trả lời: Nhằm hạn chế tình trạng cư trú “ảo”, nhiều trường hợp người dân đã chuyển đi nơi khác sinh sống nhưng vẫn chưa xóa đăng ký thường trú hoặc công dân không thực tế sinh sống và không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú, Luật cư trú bổ sung quy định mới liên quan xóa đăng ký thường trú. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 24 của Luật cư trú quy định:
“d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
e) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ mà sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;
g) Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, chọ mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản này.”
Tuy nhiên, người dân cần hiểu rõ hơn về quy định này, việc xóa đăng ký thường trú nêu trên chỉ là xóa thông tin về nơi thường trú được đăng ký của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp công dân không thực tế cư trú tại chỗ đó nữa. Khi tra cứu thông tin về nơi thường trú của công dân sẽ không thể hiện địa chỉ nơi thường trú đã bị xóa, còn mọi thông tin khác của công dân đó vẫn được giữ nguyên trên các cơ sở dữ liệu nói trên.
Việc xóa đăng ký thường trú nhằm ghi nhận chính xác tình trạng cư trú của người dân, bảo đảm thực hiện chặt chẽ công tác quản lý cư trú; không làm ảnh hưởng đến các thông tin cá nhân, thông tin về hộ tịch khác của công dân; dữ liệu liên quan đến lịch sử quá trình cư trú của công dân vẫn được lưu giữ trên hệ thống để phục vụ công tác quản lý cũng như tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện việc đăng ký cư trú tại nơi ở mới hay khi trở lại nơi đã bị xóa đăng ký thường trú.
Để bảo đảm quyền tự do cư trú, công dân nên chủ động khai báo cơ quan Công an về việc thay đổi nơi thường trú, tạm trú, các trường hợp khác liên quan xuất khẩu lao động, chuyển nơi cư trú trên 12 tháng…
Câu hỏi 5: Xin hỏi việc tách hộ theo Luật cư trú mới tạo điều kiện thuận lợi gì cho công dân, nhất là đối với trường hợp vợ chồng ly hôn?
Trả lời: Luật Cư trú năm 2020 đã quy định điều kiện để tách hộ rất cụ thể, giải quyết được trường hợp vướng mắc lâu nay tại Luật Cư trú năm 2006 liên quan đến trường hợp vợ, chồng đã ly hôn và muốn tách hộ riêng khi phải thực hiện xóa đăng ký thường trú đối với người tách hộ tại sổ hộ khẩu cũ và phải có sự đồng ý của người vợ hoặc người chồng đã ly hôn (nếu họ là chủ hộ) thì mới được tách hộ.
Luật Cư trú năm 2020 quy định đối với trường hợp vợ, chồng đã ly hôn mà muốn tách hộ thì chỉ cần người tách hộ vẫn có quyền sử dụng chỗ ở hợp pháp đã đăng ký thường trú và đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định là có thể tự tách hộ. Khi đó, cơ quan đăng ký cư trú sẽ cập nhật thông tin mới của người tách hộ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trường thông tin về chủ hộ là chính bản thân người tách hộ hoặc người khác được đề cử là chủ hộ nếu trường hợp tách hộ có nhiều người; thực hiện điều chỉnh thông tin về các thành viên trong hộ đối với thông tin của người chủ hộ cũ và các thành viên khác trong hộ.
Công an huyện Chư Pưh tổ chức kiểm tra, làm sạch dữ liệu thông tin công dân.
|
Câu 6: Diện tích sàn để đăng ký cư trú là quy định mới phải không? Ở Gia Lai có áp dụng không và diện tích tối thiểu là bao nhiêu vậy?
Trả lời: Luật Cư trú năm 2020 quy định diện tích nhà ở tối thiểu làm điều kiện để đăng ký thường trú sẽ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người. Mức diện tích 8m2 sàn/người – đây là chỉ tiêu được xác định cần hoàn thành trong năm 2020 được nêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hiện nay, ở tỉnh Gia Lai chưa có quy định cụ thể về diện tích sàn. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tham mưu UBND đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhằm bảo đảm đúng theo quy định của Luật cư trú.
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020634003 |
Đang online: | 288 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||