Thứ 6, Ngày 19 Tháng 4 Năm 2024
Tài liệu tóm tắt Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông
Ngày cập nhật: 14/03/2022 04:05:34 | Lượt xem: 1857.0 | |

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và hiện nay đang được Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan; Công an tỉnh Gia Lai tóm tắt một số nội dung đã được Bộ Công an chỉnh lý, hoàn thiện như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TÁCH LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ THÀNH HAI LUẬT: LUẬT ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

1. Hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Giao thông đường bộ là lĩnh vực phổ biến, quan trọng và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong các lĩnh vực giao thông (gồm: Đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không); trên 90% hoạt động đi lại nói chung và trên 70% hoạt động vận tải nói riêng được thực hiện trên đường bộ. Theo đó, giao thông đường bộ liên quan và tác động trực tiếp đến quyền con người, đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cụ thể như:

- Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, đề ra yêu cầu: “Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới”.

- Kết luận số 45-KL/TW, ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 trong đó xác định: “Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”, do tính chất phức tạp của tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn an ninh con người, an ninh xã hội.

- Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó đề ra một trong những giải pháp chủ yếu là: Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng”.

- Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, phê duyệt Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026), trong đó đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xem xét bổ sung vào Chương trình năm 2022-2023.

- Văn kiện Ðại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng xác định: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; đồng thời, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”; xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn; bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn; kiềm chế gia tăng tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó có hệ thống đường bộ.

- Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, như: Quyết định số 1586/QĐ-TTg, ngày 24/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2060/QĐ-TTg, ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu: “Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, cơ chế, tổ chức bộ máy quản lý an toàn giao thông từ Trung ương đến địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được pháp luật bảo hộ (Điều 19); mọi người được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ (Điều 20); Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Điều 67).

Do đó, trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan, ngày 19/01/2022, Chính phủ đã họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 01/2022, thống nhất báo cáo, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đối với việc tách Luật Giao thông đường bộ để xây dựng 02 Luật mới là: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm hoàn thiện thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Thực tiễn thi hành Luật Giao thông đường bộ phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay

Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực giao thông đường bộ, bao gồm: Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2019 và 164 Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành (Trong đó, Bộ Công an chủ trì xây dựng 02 Nghị định, 52 Thông tư và Thông tư liên tịch). Về cơ bản đã tạo cơ sở pháp lý để thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, sau gần 13 năm thực hiện, đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế, không còn phù hợp với tình hình hiện nay, đòi hỏi phải ban hành những đạo luật mới thay thế, điều chỉnh chuyên sâu từng lĩnh vực, cụ thể:

2.1. Lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ

Trong những năm qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Theo thống kê, từ năm 2009 đến năm 2021, toàn quốc đã xảy ra hơn 361 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113 nghìn người, bị thương hơn 356 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém, bất cập, giao thông hỗn hợp mất an toàn vẫn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, an sinh xã hội. Lực lượng chức năng đã xử lý trên 65 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước trên 33 nghìn tỷ đồng; xảy ra 596 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, làm 07 cán bộ hy sinh, 186 cán bộ bị thương, nhưng việc phát hiện và xử lý vi phạm vẫn chủ yếu là thủ công, hệ thống giám sát còn hạn chế.

Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông đường bộ diễn biến hết sức phức tạp, đã phát hiện, xử lý hơn 40 nghìn vụ vi phạm pháp luật hình sự trên tuyến giao thông, bắt hơn 14 nghìn đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, an ninh con người lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.

2.2. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông

Trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ ra tồn tại, hạn chế là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền. Một số dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ. Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông thiếu đồng bộ. Nhiều tuyến đường nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Hệ thống đường địa phương những năm qua đã có bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế; giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ; theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% - 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 1%; hệ thống đường tỉnh thiếu vốn đầu tư xây dựng, chất lượng còn hạn chế. Các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được quy định tại một điều (Điều 26) của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật. Hệ thống dịch vụ hạ tầng hỗ trợ cho an toàn giao thông như trạm dừng nghỉ, sửa chữa…chưa được quan tâm đầu tư.

Ngoài ra, nhiều chính sách pháp luật về đầu tư, phát triển hạ tầng thiếu quy định cụ thể và có nhiều tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện, như: Vấn đề thu phí không dừng, dự án BOT, xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ chế giám sát công trình giao thông, cơ chế huy động vốn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về xây dựng hệ thống đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu...

2.3. Lĩnh vực vận tải đường bộ

Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng hơn 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải), không cân đối với các phương thức vận tải khác; chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn có các đơn vị vận tải nhỏ lẻ, manh mún; hiệu quả kinh doanh chưa cao; công tác quản lý lái xe còn bất cập; thiếu cơ sở dữ liệu quản lý chặt chẽ người lái xe kinh doanh vận tải.

Việc quản lý xe áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch, vi phạm vẫn mang tính phổ biến, quy định về điều kiện kinh doanh trong đó có các thiết bị quan trọng như giám sát hành trình, camera hành trình không quy định rõ ràng dẫn đến hiệu quả quản lý thấp. Nhiệm vụ trong 5 năm 2021-2025, phải phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng; từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I, thay thế phương tiện cá nhân. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.

Tồn tại, hạn chế thuộc 03 lĩnh vực nêu trên, xuất phát từ nguyên nhân, như sau:

Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang đồng thời điều chỉnh 03 lĩnh vực: (1)An toàn giao thông; (2)Kết cấu hạ tầng giao thông; (3)Vận tải đường bộ. Cả 03 lĩnh vực này đang còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết, đó là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương khi tham gia giao thông; quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; phát triển, quản lý các hình thức kinh doanh vận tải mới phù hợp với nhu cầu xã hội… Thực tế an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực lớn, với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Chính vì thế, tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng phạm vi điều chỉnh không đúng là Luật chuyên ngành, dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

Thứ hai, Một số chế định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn tổ chức, thực hiện, cụ thể như quy định về: Làn đường, dừng đỗ xe trên đường, nhường đường tại nơi giao nhau, sử dụng đèn tín hiệu… Dẫn đến, khó khăn trong nhận thức và thực thi pháp luật. Ngoài ra, không quy định đầy đủ, cụ thể các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cần phải bổ sung, như: Giải quyết tai nạn giao thông; giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết vấn đề an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông…Việc quản lý người lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Từ năm 2008 đến nay, phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, toàn quốc đã đăng ký 4.608.312 xe ô tô (gấp 5,45 lần so với từ năm 2008 trở về trước), 49.981.943 xe mô tô (gấp 2,92 lần so với từ năm 2008 trở về trước); trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng (cả đường xá và điểm đỗ xe), điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới, xu thế chuyển dịch phương tiện giao thông thông minh, động cơ điện.

Bên cạnh đó, chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ ba, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nên quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.

Việc phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm, huy động nguồn lực còn hạn chế, chưa rõ ràng, dẫn đến việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu chủ động vì phải chờ cơ quan trung ương, nhất là trong đầu tư, xây dưng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong khi đó, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã xác định: “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Thứ tư, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2030 là: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025, hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam là theo hướng chuyên sâu, điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể để bảo đảm sự phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Mặt khác, qua trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia cho thấy, không có quốc gia nào ban hành Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả 03 lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Do đó, nếu tiếp tục kết cấu 03 lĩnh vực trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn.

Từ thực tiễn đó, đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực cụ thể, trong đó xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, hướng tới tiếp cận văn hóa giao thông của các nước phát triển trên thế giới, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người; xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

Như vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là nhằm điều chỉnh hành vi, cách xử sự của con người hướng đến xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, ổn định, bình yên và hạnh phúc; đây là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, là sự thể chế hóa quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, cụ thể hóa quyền con người quy định trong Hiến pháp; phù hợp với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam theo hướng chuyên sâu điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, góp phần phòng ngừa, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông; nâng tầm cả 03 lĩnh vực là trật tự, an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực được phân công; phù hợp với kinh nghiệm lập pháp quốc tế.

II. TÍNH THỐNG NHẤT CỦA DỰ THẢO LUẬT VỚI CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG CÙNG LĨNH VỰC VÀ CÁC LĨNH VỰC CÓ LIÊN QUAN; TÍNH TƯƠNG THÍCH CỦA DỰ THẢO LUẬT VỚI ĐIAÀU ƯỚC QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN

1. Tính thống nhất của dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật trong cùng lĩnh vực và các lĩnh vực có liên quan

Qua rà soát, cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thống nhất với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật hiện hành của Nhà nước ta, cụ thể như sau:

- Các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, uỷ ban nhân dân các cấp tại các chương của dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019; Luật Công an nhân dân năm 2018…

- Các quy định về đăng ký, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ quy định tại Chương III dự thảo Luật thống nhất với các luật: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017… Các quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe quy định tại Chương III dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Bộ luật Lao động năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020…

- Các quy định về giải quyết tai nạn giao thông tại Chương V dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015…

- Các quy định về tuần tra, kiểm soát tại Chương VI dự thảo Luật thống nhất với các luật: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020…

2. Tính tương thích của dự thảo Luật với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Qua rà soát cho thấy các quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, như: Công ước quốc tế năm 1968 về Giao thông đường bộ và Công ước quốc tế năm 1968  về Biển báo - Tín hiệu đường bộ; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966...

3. Về tính thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ

Hai dự thảo Luật đã phân định rành mạch về phạm vi điều chỉnh; không chồng chéo, trùng lắp về nội dung của các chương, điều; các thuật ngữ được rà soát, sàng lọc, nhất là những thuật ngữ chuyên môn dễ gây nhầm lẫn giữa lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và kỹ thuật giao thông, như phần giải thích từ ngữ, tên của Chương III dự thảo Luật Đường bộ là “Phương tiện giao thông đường bộ”, tên của Mục 1 Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Theo đó, Chương “Phương tiện giao thông đường bộ” trong dự thảo Luật Đường bộ nội dung quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông trong các khâu từ sản xuất, lắp ráp đến nhập khẩu và tham gia giao thông, là cơ sở để phát triển công nghiệp ô tô; về niên hạn sử dụng xe; về trung tâm đăng kiểm, trạm kiểm tra khí thải, bảo dưỡng, bảo hành xe cơ giới; về đăng kiểm viên… Mục 1 Chương III dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về “Phương tiện tham gia giao thông đường bộ” gồm các nội dung như: Điều kiện phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo các yêu cầu về đăng ký, gắn biển số, an toàn kỹ thuật, bảo hiểm…; quy định cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng

Như vậy, việc quy định ở 2 dự thảo Luật là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của từng Luật, một bên là về kỹ thuật an toàn phương tiện, một bên là điều kiện tham gia giao thông, điều kiện lưu hành phương tiện để bảo đảm an toàn. Giữa 02 Luật có mối liên hệ, không mâu thuẫn, chia cắt cơ học, có sự gắn kết, thống nhất với các chế định khác trong mỗi dự thảo Luật.

III. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT

Dự thảo Luật gồm 08 chương, 63 điều, cụ thể như sau:

- Chương I. Những quy định chung: Gồm 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; chính sách của nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm.

- Chương II. Quy tắc giao thông đường bộ: Gồm 25 điều, từ Điều 9 đến Điều 33, quy định về: Quy tắc chung; chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; nhường đường tại nơi đường giao nhau; qua phà, qua cầu phao; giao thông tại đường ngang, cầu chung đường sắt; giao thông trên đường cao tốc; giao thông trong hầm đường bộ; quyền ưu tiên và tín hiệu ưu tiên của một số loại xe; trường hợp chở người trên xe ô tô chở hàng; xe kéo xe và xe kéo rơ moóc; người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông; người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi trên đường bộ; người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy tham gia giao thông; tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ.

Trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung, mô tả lại một số quy định phù hợp với thực tiễn.

- Chương III. Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Gồm 10 điều, từ Điều 34 đến Điều 43, quy định về: Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; trách nhiệm của cơ quan đăng ký xe; quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp và thu hồi giấy phép lái xe.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về đăng ký, cấp biển số xe cụ thể, rõ ràng hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, phục vụ người dân. Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968…

So với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá vì đây là quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội về Đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá. Đề án này sẽ được thực hiện khi Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, dự thảo hiện tại không quy định về điểm của giấy phép lái xe, vì đây là quy định mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nội dung này sẽ được thực hiện thí điểm khi Chính phủ, Quốc hội thống nhất thông qua Nghị quyết thí điểm xử phạt hành chính không lập biên bản và trừ điểm giấy phép lái xe đối với người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

- Chương IV. Tổ chức giao thông đường bộ trật tự, an toàn: Gồm 08 điều, từ Điều 44 đến Điều 51, quy định về: Nội dung tổ chức giao thông đường bộ trật tự, an toàn; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông khi có sự cố, tình huống đột xuất trên đường bộ, thi công công trình đường bộ, sử dụng lòng đường, hè phố để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông các sự kiện đặc biệt quan trọng tổ chức trên đường bộ; bảo đảm an toàn giao thông xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, các loại chất nổ, vật phẩm dễ nổ, chất phóng xạ tham gia giao thông đường bộ; kiến nghị về an toàn giao thông đường bộ; kiến nghị khắc phục yếu tố gây mất an toàn giao thông công trình đường bộ; phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông; trung tâm chỉ huy giao thông.

Các nội dung trên là mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông và khắc phục các bất cập là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

- Chương V. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: Gồm 04 điều, từ Điều 52 đến Điều 55, quy định về: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; thống kê tai nạn giao thông.

Các nội dung trên là những điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bởi vì công tác giải quyết tai nạn giao thông liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

- Chương VI. Tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Gồm 04 điều, từ Điều 56 đến Điều 59, quy định về: Tuần tra, kiểm soát; dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; huy động người, phương tiện, thiết bị; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ.

Các nội dung trên là mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; cải cách phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật.

- Chương VII. Quản lý nhà nước trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Gồm 02 điều, từ Điều 60 đến Điều 61, quy định về: Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an; trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại địa phương.

So với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, dự thảo hiện tại không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Nội dung này sẽ do Chính phủ quy định tại các nghị định.

- Chương VIII. Điều khoản thi hành: Gồm 02 điều, từ Điều 62 đến Điều 63, quy định về: Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.


  CÁC TIN ĐÃ ĐƯA
MỚI NHẤT:
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước
Bộ Công an lấy ý kiến về mẫu thẻ Căn cước, mẫu giấy Chứng nhận căn cước
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (lần 2)
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)
Lấy ý kiến nhân dân về quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
Giải trình của Bộ Công an về “Luật Căn cước”
Giải trình của Bộ Công an về “Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”
Lấy ý kiến Dự thảo văn bản
Lấy ý kiến Dự thảo dự án Luật Căn cước
Lấy ý kiến Dự thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tags:
 
 
 
 
Ý kiến của bạn (vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Xin vui lòng nhập họ và tên.
Xin vui lòng nhập địa chỉ email.
Nội dung Xin vui lòng nhập nội dung bình luận.
Mã xác nhận(*) ImageCaptcha ReCaptcha
  Xin vui lòng nhập mã xác nhận
Mã xác nhận không hợp lệ
 
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT
THÔNG TIN CẢI CÁCH
BÙI VĂN TUẤN
Năm sinh:

Tội danh:
- Lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản
DƯƠNG ANH SỸ
Năm sinh:

Tội danh:
- Đánh bạc
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
Năm sinh:

Tội danh:
- Trộm cắp tài sản
HOÀNG VĂN HẢI
Năm sinh:

Tội danh:
- Giết người
NGUYỄN KHẮC HY
Năm sinh:

Tội danh:
- Cưỡng đoạt tài sản
TRẦN THÀNH
Năm sinh:

Tội danh:
- Cưỡng đoạt tài sản
HOÀNG MINH NGUYÊN
Năm sinh:

Tội danh:
- Cưỡng đoạt tài sản
LƯƠNG THÀNH TRUNG
Năm sinh:

Tội danh:
- Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
LƯƠNG KHÁNH TOÀN
Năm sinh:

Tội danh:
- Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
ĐINH XUÂN THÀNH
Năm sinh:

Tội danh:
- Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy cập: 0015377569
Đang online: 214
Đánh giá Website:
Liên kết Website
Ý kiến của bạn
Bạn thấy bố cục trang web như thế nào?
  •   Đẹp
  •   Không đẹp
  •   Bình thường
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP
 
 
  GIỚI THIỆU | SƠ ĐỒ WEBSITE | TIẾNG ANH | ĐẶT LÀM TRANG CHỦ   Về đầu trang  
Bản quyền thuộc về Công an tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: 267A Trần Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chung nhan Tin Nhiem Mang Chịu trách nhiệm nội dung: Thiếu tướng Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai
Giấy phép số 09/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 8/1/2014