Thứ 5, Ngày 21 Tháng 11 Năm 2024 |
Từ xã điển hình về phong trào TDBVANTQ…
Xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) là địa phương duy nhất tại thành phố Đà Nẵng được Bộ Công an, Công an thành phố chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Xã điển hình về phong trào TDBVANTQ”. Qua 3 năm triển khai đã bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Công an xã Hòa Phong trao tận tay Căn cước công nhân cho người lao động đang tạm trú tại địa bàn.
|
Để cụ thể hóa mô hình, một trong những cách làm được Công an xã tham mưu triển khai và phát huy hiệu quả đó là thành lập “nhóm zalo kín” để trao đổi công việc hai chiều giữa cảnh sát khu vực (CSKV) với các trưởng thôn. Với cách làm này, các thông tin cần tuyên truyền được chuyển tải kịp thời để người dân nắm bắt và những tin báo có giá trị của người dân liên quan ANTT tại mỗi thôn đều được xác minh, kịp thời xử lý.
Ông Trần Quốc Hùng, người dân thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong cho biết: Từ khi triển khai mô hình “Phòng chống tội phạm thông qua mạng xã hội Zalo”, điện thoại của các Trưởng thôn liên tục nhận thông tin từ người dân về các vụ đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, bạo lực trẻ em… để cung cấp cho CSKV. Zalo cũng là kênh để Công an cung cấp thông tin cho bà con và tuyên truyền về các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Nhỏ, Trưởng thôn Cẩm Toại Đông cho biết, thôn có 418 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu. Từ khi triển khai mô hình “Phòng chống tội phạm thông qua mạng xã hội Zalo”, điện thoại của ông liên tục nhận nhiều thông tin từ CSKV. “Mỗi khi nhận tin tức, nhất là thông tin về việc cảnh giác với tội phạm, chúng tôi chia sẻ rộng rãi ngay cho bà con nắm bắt và từ đó mỗi người tự giác nâng cao ý thức. Đối với các trường hợp mới chuyển tới thôn, trong vòng một tuần sau, chúng tôi kiểm tra giấy tờ tạm trú để nắm bắt thông tin, giúp quản lý tốt nhân khẩu. Trường hợp vướng mắc, chúng tôi trao đổi và cùng CSKV hỗ trợ giải quyết kịp thời”, ông Nhỏ chia sẻ.
Thiếu tá Trần Công Thọ, Phó trưởng Công an xã Hòa Phong cho biết, thông qua mô hình này, Công an xã đã truyền tải hàng chục văn bản pháp luật liên quan công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Từ khi triển khai đến nay, Nhân dân đã cấp hơn 100 tin, trong đó có hàng chục tin có giá trị, góp phần quan trọng bảo đảm ANTT trên địa bàn toàn xã. Các mô hình “Phòng chống tội phạm thông qua mạng xã hội zalo”, “Cổng trường bình yên” và mô hình dân vận khéo “Công an xã trả hồ sơ tại nhà cho Nhân dân” được triển khai trên địa bàn xã hơn 1 năm qua đã mang lại hiệu quả cao, được đông đảo quần chúng Nhân dân hưởng ứng, tự nguyện, tự giác tham gia.
Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, qua quá trình triển khai thí điểm xây dựng “Xã điển hình về phong trào TDBVANTQ”, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là nhân dân 13 thôn tích cực hưởng ứng, phối hợp nên mô hình từng bước đạt kết quả, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Cũng theo ông Nghĩa, trong thời gian tổ chức xây dựng thí điểm Hòa Phong thành “Xã điển hình về phong trào TDBVANTQ”, xã cũng đang tiếp tục tổ chức thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, là điều kiện để hoàn thành một số tiêu chí xây dựng “Xã điển hình về phong trào TDBVANTQ”.
Công an phường kiểm tra hồ sơ tạm trú tại các dãy trọ.
|
Đến “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân”…
Từ giữa tháng 12-2021, cứ 18 giờ đến 20 giờ thứ Hai đến thứ Sáu và 8 giờ đến 11 giờ thứ Bảy, lực lượng Công an các phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác bảo đảm ANTT địa bàn cơ sở, giúp Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp thuận lợi trong giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính. Ngoài ra, Cảnh sát khu vực (CSKV) thường xuyên bám sát địa bàn, khu vực phụ trách; định kỳ thăm, gặp lực lượng nòng cốt tại cơ sở để nắm tình hình, tuyên truyền, trao đổi thông tin, phục vụ công tác quản lý khu vực, địa bàn.
Tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), do người dân phần lớn làm nông nghiệp, lâm nghiệp, vắng nhà cả ngày. Vì vậy tranh thủ buổi tối, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã đã đến gặp gỡ, làm việc với bí thư chi bộ, đại diện ban Nhân dân các thôn và người dân trên địa bàn để nắm tình hình ANTT, tâm tư, nguyện vọng người dân ở các khu vực giải tỏa, bức xúc về môi trường, đất đai; tuyên truyền một số văn bản pháp luật mới ban hành, triển khai các công tác phòng, chống tội phạm…
Trung tá Nguyễn Hồng Phúc, Trưởng Công an xã Hòa Ninh cho biết, ngay sau khi triển khai mô hình “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân”, lực lượng CSKV tăng cường công tác bám sát cơ sở, nắm chắc mọi thông tin trên địa bàn 8 thôn của xã. Cùng với công tác bám sát địa bàn, tuần tra bảo đảm ANTT, Công an xã còn tăng cường tăng ca tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính phục vụ Nhân dân. “Hiệu quả công tác từ mô hình thể hiện rõ rệt, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn, đồng thời tạo thuận lợi cho Nhân dân trong giải quyết các thủ tục hành chính, xây dựng hình ảnh người Công an Nhân dân gần dân, hiểu dân”, Trung tá Nguyễn Hồng Phúc khẳng định.
Tiến hành kiểm tra một vụ việc có dấu hiệu vi phạm.
|
Theo Thiếu tá Trần Anh Dũng, Trưởng Công an phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ), lực lượng Công an phường thực hiện tăng ca làm thêm giờ tại trụ sở và tiếp dân tại chung cư CT02 nằm trên đường Nguyễn Hữu Tiến. “Việc thực hiện song song hai địa điểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết ngoài giờ hành chính các vấn đề về lưu trú, tách nhập khẩu cho người dân và trả kết quả tại nơi tiếp công dân. Ngoài ra, từ 18 giờ, từng CSKV phụ trách địa bàn đều có kế hoạch đi cơ sở. Đây là cơ hội để gần dân và linh hoạt giải quyết các vụ việc, bởi Nhân dân là cánh tay nối dài trong công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn”, Thiếu tá Trần Anh Dũng chia sẻ.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: Sau khi triển khai thực hiện mô hình, lực lượng Công an thành phố đã tăng cường 31 chỉ huy, 317 cán bộ, chiến sĩ trẻ, có năng lực cho Công an xã, phường (hiện mỗi Công an xã có từ 13 đến 18 biên chế, Công an phường có từ 18 đến 25 biên chế và phấn đấu trong thời gian đến đảm bảo cơ cấu tối thiểu 30 cán bộ, chiến sĩ/1 Công an phường và 18 cán bộ, chiến sĩ/1 Công an xã).
“Từ khi thực hiện mô hình đến nay, Công an xã, phường đã phát hiện, ngăn chặn, phối hợp bắt giữ 3 đối tượng truy nã, truy tìm, 111 vụ/246 đối tượng phạm tội, xử lý trên 5,2 ngàn trường hợp vi phạm hành chính; tiếp nhận, xử lý hơn 3,8 ngàn phản ánh, kịp thời giải quyết hơn 81,3 ngàn thủ tục hành chính cho tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, đã tiến hành gặp, làm việc với hơn 65,4 ngàn lượt hộ Nhân dân, gần 41 ngàn lượt cán bộ nòng cốt ở cơ sở; tổ chức cảm hóa, răn đe giáo dục hơn 7,4 ngàn lượt đối tượng, phát hiện, xử lý 184 đối tượng dương tính với ma túy…”, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên nói. Đồng thời cho biết, với những kết quả trên, Công an thành phố Đà Nẵng đã 2 lần được lãnh đạo Bộ Công an có Thông báo biểu dương về những kết quả đã đạt được trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình, qua đó đề nghị Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước nghiên cứu, nhân rộng.
Có thể khẳng định, việc triển khai các mô hình như “Camera giám sát an ninh”, “Cụm dân cư an toàn về PCCC”, “Nhóm Zalo phòng chống tội phạm”, “Công an cơ sở tăng ca phục vụ Nhân dân”… từ thực tế tại Đà Nẵng đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, giúp ngăn ngừa được các vụ phạm pháp hình sự từ xa, từ sớm; công tác điều tra khám phá án đạt kết quả cao, không để xảy ra trọng án, số vụ phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội giảm. Nhiều năm liền, người dân thành phố bên sông Hàn luôn được sống trong không khí bình yên, hạnh phúc…
Theo bocongan.gov.vn
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020633917 |
Đang online: | 315 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||