Thứ 5, Ngày 21 Tháng 11 Năm 2024 |
Gia Lai là tỉnh phía Bắc Tây Nguyên, diện tích tự nhiên hơn 15.510 km2 đứng thứ 2 cả nước, có 17 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 02 thị xã, 14 huyện) và 220 xã, phường, thị trấn với 1.576 thôn, làng, tổ dân phố; dân số hơn 1,5 triệu người với 44 dân tộc sinh sống, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 46,23%. Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định; tuy nhiên, các đối tượng bên ngoài tiếp tục chỉ đạo, tác động làm phức tạp tình hình, nổi lên là, tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài; tình hình vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, an toàn giao thông chưa được kiềm chế bền vững, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tăng, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc qua mạng Internet. Cùng với đó, tình trạng thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số sử dụng ma túy, việc cho vay tiền với lãi suất cao đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống kinh tế người dân, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phức tạp đến an ninh, trật tự.
Với đặc điểm địa bàn rộng, điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất còn hạn chế, trình độ người dân không đồng đều, đời sống kinh tế khó khăn so với mức thu nhập trung bình, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số; một số nơi người dân còn sống khép kín ở cộng đồng buôn, làng, nên quá trình lực lượng Công an tổ chức các buổi tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân tham gia chủ yếu là người già, phụ nữ, trẻ em, còn số đối tượng, thanh thiếu niên cần hướng tới lại ít tham gia. Trong khi đó, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ đã thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, nhất là trong các ngày lễ, tết của người dân địa phương.
Tổ chức tuyên truyền pháp luật kết hợp tặng mũ bảo hiễm cho các em học sinh.
|
Xuất phát từ đặc điểm tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai các mặt công tác, nhất là tập trung công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại địa bàn cơ sở. Qua triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa bàn đã khẳng định sức thu hút rất lớn của hoạt động văn hóa, văn nghệ đối với người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, số lượng tăng lên gấp nhiều lần so với những buổi tuyên truyền, phát động thuần túy.
Từ kết quả thực tế trên, Công an tỉnh nhận thấy việc tập hợp cán bộ, chiến sỹ có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ trong Công an tỉnh để tham gia biểu diễn phục vụ Nhân dân, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật gắn với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở là hết sức cần thiết. Ngày 20/9/2022, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Quyết định số 2396/QĐ-CAT-PX03 thành lập “Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân” với 30 cán bộ có trình độ, năng khiếu được tuyển chọn tại các đơn vị, Công an địa phương; đồng thời, ban hành quy chế hoạt động, duy trì nhiệm vụ, định kỳ hằng quý tổ chức tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, biểu diễn văn nghệ và tặng quà tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Linh hoạt biện pháp tuyên truyền
Nhằm đa dạng hình thức, tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút người dân tham gia, Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân đã xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức nhiều hình thức, tính toán kỹ lưỡng biện pháp thực hiện sao cho hiệu quả và phù hợp từng đối tượng, địa bàn tại cơ sở. Phối hợp Đoàn nghệ thuật Đam San Gia Lai, nhóm nhạc Đur Siu 81 xây dựng các chương trình biểu diễn đa dạng, phong phú kết hợp với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát động quần chúng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, tệ nạn ma túy…
Đội Văn nghệ xung kích Công an tỉnh biểu diễn tiết mục phục vụ Nhân dân.
|
Một trong những cách làm hay, phải kể đến là trước khi chọn địa bàn để tuyên truyền, Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân chủ động lên kế hoạch, phối hợp các đơn vị, Công an địa phương tính toán, thống nhất nội dung, thời lượng, cách thức, thời điểm tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phát động và tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ Nhân dân, được lãnh đạo Công an tỉnh đồng tình, nhất trí cao. Bởi vậy, các buổi tuyên truyền diễn ra được đảm bảo tính nghệ thuật, vừa phù hợp với địa bàn, đối tượng, thời điểm tổ chức.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính là tuyên truyền, phổ biến pháp luật kết hợp văn nghệ, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, các thành viên trong Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân còn tích cực thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín, chức sắc, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách và các em học sinh nghèo vươn lên trong học tập.
Thu hút đông đảo, ấn tượng người xem
Bằng hệ thống âm thanh, ánh sáng được trang bị hiện đại thông qua các tiết mục văn nghệ độc đáo, các “diễn viên” trong đội đã minh họa rõ nét các chủ đề tuyên truyền, chinh phục được người dân, tiếp thu một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất về nội dung tuyên truyền, phát động, qua đó thu hút đông đảo, đa dạng thành phần, đặc biệt là thanh thiếu niên, đối tượng này ít khi tham gia các buổi tuyên truyền trước đây.
Buổi tuyên truyền thu hút đông đảo người dân tham gia.
|
Tương tự, nhiều hình thức nổi bật, cách làm hay thu hút đông đảo, tạo ấn tượng đến người dân do Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân thực hiện hiệu quả thời gian qua, đó là: tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ bằng trưng bày panô, áp phích, hình ảnh và phát tờ rơi với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, chú trọng vào những lỗi thường gặp với hình ảnh minh hoạ, mức phạt tiền, kết hợp đặt câu hỏi và tặng quà; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích thông qua tìm hiểu nguyên nhân chủ yếu gây ra, phương pháp kiểm soát và điều chỉnh hơi thở, hướng dẫn tình huống giả định, giải cứu và sơ cấp cứu nạn nhân bị đuối nước...; phóng sự tuyên truyền với thời lượng gần 30 phút về “Tuyên tuyền phòng, chống vượt biên trái phép; đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của FULRO lưu vong bằng tiếng Bahnar, Jrai” tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Từ khi thành lập đến nay, “Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân” đã tổ chức 15 đợt với 120 buổi tuyên truyền, phát động, biểu diễn hơn 500 lượt tiết mục văn nghệ, huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia đã lồng ghép tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội… đến hơn 13.550 lượt người dân với đông đảo thành phần tham gia nhất là số thanh thiếu niên trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Chư Pah, Mang Yang, Krông Pa, Phú Thiện, Kbang nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở.
Lan tỏa hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an
Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật, Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân chủ động phối hợp các đơn vị, Công an địa phương trực tiếp trao đổi, làm việc với cấp ủy, chính quyền, bí thư chi bộ tổ dân phố, khu dân cư, Công an cấp xã để gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, hoạt động của số thanh thiếu niên, các đối tượng hình sự, kinh tế, ma túy. Nhờ đó, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở đã tạo niềm tin đối với lực lượng Công an, tích cực phối hợp tham gia phòng ngừa, ngăn chặn tố giác tội phạm ngay tại cơ sở.
Đội Văn nghệ xung kích Công an tỉnh trao tặng quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
|
Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện hướng về cộng đồng, phối hợp các đơn vị liên quan tặng hơn 200 mũ bảo hiểm, 149 suất quà cho người có uy tín, chức sắc, thôn trưởng, Nhân dân, 36 suất học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó và 06 bộ lưới bóng chuyền, bóng đá với hơn 250 triệu đồng. Gắn với thực hiện các chương trình, cuộc vận động do Bộ Công an phát động, Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân đã tổ chức 20 đợt hỗ trợ Nhân dân lao động, sản xuất, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, giúp đỡ gia đình khó khăn với hơn 250 ngày công, tổ chức 40 lượt thi đấu giao lưu bóng đá, bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian với thanh niên, phụ nữ các thôn, làng … góp phần xây dựng lực lượng Công an tỉnh bản lĩnh, nhân văn vì Nhân dân phục vụ, lan toả được hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ Công an Gia Lai trong lòng người dân.
Từ những kết quả tích cực đạt được, hoạt động của mô hình “Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân” đã được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và được đông đảo Nhân dân ủng hộ. Các biện pháp, hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, sáng tạo lồng ghép phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng với hoạt động xung kích tình nguyện tại cơ sở, phát huy tốt phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật của người dân, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngày 06/11/2023, Công an tỉnh Gia Lai ký, ban hành Quyết định số 5467/QĐ-CAT-PV01 công nhận mô hình đạt “Dân vận khéo” của lực lượng Công an nhân dân.
Biểu dương những thành tích đạt được, Bộ Công an đã ghi nhận, đánh giá cao và thông báo hoạt động của mô hình “Đội Văn nghệ xung kích phục vụ Nhân dân” trong lực lượng Công an đến Công an địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Văn Tân - Hồng Phong
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020633294 |
Đang online: | 136 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||