Trong tháng 1/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: chính sách về tuyển dụng lao động nước ngoài, đánh giá gia đình văn hóa...
|
Người lao động ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị tuyển dụng. Ảnh minh họa: Lê Sen/TTXVN
|
Chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Nghị định mới ban hành sửa đổi 14 nội dung của Nghị định số152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định nêu rõ, từ ngày 1/1/2024 "sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài".
Việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8/2023, cả nước có hơn 130,5 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc. Trong số này, số lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động là hơn 10,3 nghìn người. Số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động là hơn 120,2 nghìn người, chiếm khoảng 92% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Quy định mới về khung tiêu chuẩn xét tặng Gia đình văn hóa
Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 có hiệu lực từ 30/1/2024, quy định khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa. Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng.
Nghị định cũng quy định các trường hợp không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa khi thành viên trong gia đình vi phạm một trong các trường hợp sau thì không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa: bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ nộp thuế; bị xử phạt vi phạm hành chính về: hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn; vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng; bị xử phạt vi phạm hành chính về: vi phạm quy định về trật tự công cộng; hành vi đánh bạc trái phép; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sau 5 năm thực hiện Nghị định số 122/2018 của Chính phủ, cả nước có hơn 20 triệu trong tổng số hơn 23 triệu gia đình đạt danh hiệu "Gia đình Văn hóa" (đạt tỷ lệ trên 89%); gần 67.500/87.126 khu dân cư đạt danh hiệu "Thôn Văn hóa," "Làng Văn hóa," "Ấp Văn hóa," "Bản Văn hóa," "Tổ Dân phố Văn hóa" (tỷ lệ trên 77%).
Các gia đình văn hóa tiêu biểu đã trở thành những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Đồng thời, trở thành những nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Quy định mới về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ
Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Trong đó, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 17 Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:
Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua hoặc lựa chọn ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài làm đại lý phân phối và thanh toán trái phiếu Chính phủ (đại lý phân phối) cho đối tượng mua.
Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau: Đối tượng mua trái phiếu; Khối lượng dự kiến phát hành; Kỳ hạn trái phiếu; Lãi suất dự kiến; Thời gian dự kiến phát hành; Dự kiến hình thức phát hành riêng lẻ (Kho bạc Nhà nước phát hành trực tiếp hoặc lựa chọn đại lý phân phối).
Bộ Tài chính chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ theo các nội dung quy định trên.
Ngoài ra, Nghị định số 83/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2, 3 Điều 22 về trái phiếu ngoại tệ.
Nghị định số 83/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2024.
Áp dụng chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú từ 1/1/2024
Thông tư 66/2023/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2024 sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú. Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu.
Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.
Theo quy định hiện hành, khi đăng ký cư trú online, người dân khai báo thông tin, đính kèm bản quét/bản chụp giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, công dân phải xuất trình bản chính đã cung cấp khi người làm công tác đăng ký cư trú yêu cầu. Ngoài ra, Thông tư 66 cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung. Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.
Từ 1/1/2024, thực hiện quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự
Ngày 6/12/2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, gồm: Tiêu chuẩn và phân loại khám sức khỏe; khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; quản lý và kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị; khám sức khỏe tuyển sinh quân sự. Bên cạnh đó, khám sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ; tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Thông tư 105/2023/TT-BQP, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe.
Về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP nêu rõ, tiêu chuẩn chung là phải đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Đặc biệt, theo thông tư, không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Ngoài ra, công dân phải đáp ứng một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Việc sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe, khám phúc tra sức khỏe và giám định sức khỏe sau 1/1/2024 thực hiện theo quy định tại Thông tư 105/2023/TT-BQP./.
Theo TTXVN