Thứ 5, Ngày 21 Tháng 11 Năm 2024 |
Thời gian qua, Đak Đoa là địa phương triển khai hiệu quả mô hình hỗ trợ vay vốn giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vươn lên trong cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Ngay khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ra đời về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an huyện Đak Đoa đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện rà soát, hướng dẫn giải ngân cho 45 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách với số tiền 950 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh, học nghề, tạo việc làm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình.
Nhiều trường hợp người chấp hành xong án phạt tù được hỗ trợ vay vốn đã sử dụng hiệu quả giúp phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành gương sáng để những người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương noi theo.
Anh Trôl (giữa) trao đổi với cán bộ ngân hàng chính sách về việc sử dụng vốn vay. Ảnh: Khắc Hiếu
|
Chia sẻ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Anh Trôl (trú xã Glar, huyện Đak Đoa) cho biết: Sau khi chấp hành xong án phạt tù tôi trở về địa phương sinh sống, cuộc sống gia đình khó khăn, không có tiền để đầu tư sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế; khi được Công an và chính quyền địa phương tư vấn, hướng dẫn tôi đã mạnh dạn vay với số tiền 50 triệu đồng. Số tiền vay được tôi mua 02 con bò 10 triệu đồng vừa nuôi sinh sản, vừa để lấy phân bón phục vụ sản xuất; số tiền còn lại tôi đầu tư, cải tạo đất trồng cây cà phê,…
Chị Nhung (thứ hai từ trái qua) chia sẻ về sử dụng vốn vay mua cà phê. Ảnh: Khắc Hiếu
|
Cùng chung cảnh ngộ, chị Nhung (trú đội 2, thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) tâm sự: chị vừa mua được 2 tấn cà phê của bà con trong xã nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội; cách đây 2 tháng, sau khi chấp hành án trở về nhà, chị hoang mang chưa biết bắt đầu từ đâu, vừa vì tâm lý e ngại, vừa vì không có vốn làm ăn, thì được lực lượng Công an và chính quyền địa phương giúp làm các thủ tục, giới thiệu chị vay 100 triệu đồng nguồn vốn chính sách. Với sự nhạy bén, chị cho biết: Tôi tính toán sử dụng một phần vốn để trồng cà phê, một phần vốn để mua bán hàng ngày. “Tôi tự tin với nguồn vốn này, tôi sẽ làm tốt và hi vọng nguồn vốn này sắp tới sẽ được hỗ trợ cho những người giống như tôi để ổn định cuộc sống" - Chị Nhung cho biết thêm.
Thiếu tá Trần Thị Luận - Phó Đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Đak Đoa cho biết: Qua một thời gian triển khai, đến nay huyện Đak Đoa đã giải ngân gần 1 tỉ đồng cho 45 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn phát triển sản xuất, tái hoà nhập cộng đồng; với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, chương trình này đã góp phần phát huy tinh thần nhân văn, giúp những người lầm lỡ có điểm tựa vững chắc ổn định cuộc sống và có cơ hội vươn lên.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ là chủ trương hợp tình, hợp lý, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước, là điểm tựa giúp người lầm lỡ tự tin tái hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm chủ cuộc sống.
Khắc Hiếu
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020633963 |
Đang online: | 301 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||