Thứ 6, Ngày 1 Tháng 11 Năm 2024 |
Chiều nay, 30/9, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã dự Hội thảo khoa học "Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới".
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, đại diện các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các thầy, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục tại 63 điểm cầu truyền hình trực tuyến của các địa phương.
Thực trạng giáo dục, đào tạo ở các trường học, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý theo tiêu chí: Cán bộ tốt, người lao động tốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều ngành, nhiều đoàn thể đã được phản ánh với những sắc màu sinh động và những góc khuất đáng suy nghĩ, GS.TS Phạm Tất Dong trình bày báo cáo tổng quan các tham luận tại Hội thảo.
Trên 42% các tham luận tại Hội thảo là của cán bộ trong cơ quan Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, của các hội khuyến học địa phương và một số ban khuyến học ở các trường học. Hầu hết, các tham luận này đều thể hiện sự quán triệt tư tưởng giáo dục và đạo đức công dân, đạo đức cách mạng trong Di huấn Hồ Chí Minh để ứng dụng vào việc xây dựng mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, trong đó, công dân học tập là yếu tố quyết định về chất lượng và số lượng của từng mô hình học tập kể trên.
Hội thảo được truyền trực tuyến tới điểm cầu 63 địa phương - Ảnh: VGP/Đức Tuân
|
Theo các tham luận tại Hội thảo, muốn trở thành công dân tốt, cán bộ tốt thì bất cứ ai cũng phải phấn đấu để trở thành công dân học tập. Công dân học tập là người công dân tốt, người cán bộ tốt trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn phát triển kinh tế tri thức dưới tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giáo dục mở (mô hình xã hội học tập) là điều kiện tiên quyết để con người được phát huy tận lực những năng lực bên trong họ. Phải mở ra các hình thức học cho mọi đối tượng, mở ra các nội dung giáo dục hiện đại, các công nghệ học tập hiện đại và phát triển văn hóa học tập suốt đời.
Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan, Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà trường, trên cơ sở ý kiến phong phú của các nhà khoa học và từ thực tiễn sinh động được nêu trong các bài tham luận cũng như bài viết cho Hội thảo, sẽ có kế hoạch tốt hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động ở cơ quan, đơn vị; trong xây dựng chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp nhằm có được đội ngũ người lao động "Hồng thắm, chuyên sâu" theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông qua Hội thảo, từng lĩnh vực, từng nhà trường và mỗi cá nhân cũng có cơ hội suy ngẫm lại bản thân trong việc học và làm theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu đối với một công dân tốt, một cán bộ tốt trong thời gian qua và có kế hoạch trong tương lai để thực hiện tốt Di huấn của Bác Hồ.
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Đức Tuân
|
Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, 'học không bao giờ cùng'
Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao Trung ương Hội khuyến học Việt Nam đã chủ trì, phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội thảo có ý nghĩa quan trọng này.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải có con người", Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, câu nói này như một lời nhắc nhở sâu sắc đối với chúng ta rằng, trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, yếu tố con người, đặc biệt là công dân và đội ngũ cán bộ, luôn giữ vai trò quyết định.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thể sánh vai với các quốc gia phát triển trên thế giới. Việc học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiếp thu tri thức mà còn là sự phấn đấu để trở thành những người công dân gương mẫu, những cán bộ liêm chính, có đạo đức, có tầm nhìn và tinh thần cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò là một tổ chức xã hội, lấy khuyến học, khuyến tài làm tôn chỉ hoạt động, coi xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện việc học tập suốt đời như một đạo lý của dân tộc có truyền thống hiếu học.
Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy học tập suốt đời của Hội Khuyến học Việt Nam đã tạo thêm sức mạnh để nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển vững chắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên trường quốc tế. Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình học tập, trong đó tập trung vào việc đẩy mạnh xây dựng mô hình "Công dân học tập" theo Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, lấy tự học làm cốt lõi, phát triển năng lực của mỗi cá nhân, phấn đấu trở thành những công dân tốt, cán bộ tốt trong cuộc vận động cả nước xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời,... góp phần thiết thực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Theo các tham luận tại Hội thảo, muốn trở thành công dân tốt, cán bộ tốt thì bất cứ ai cũng phải phấn đấu để trở thành công dân học tập - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Nhân dịp Hội thảo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tích cực hưởng ứng phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Mỗi cán bộ, công chức, mỗi người dân xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để không ngừng phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới của đất nước.
"Thông qua Hội thảo, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công dân tốt, cán bộ tốt để vận dụng vào việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, hội viên khuyến học và việc giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức công dân cho học sinh, sinh viên, phấn đấu trở thành "công dân học tập", góp phần hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, "vừa hồng, vừa chuyên" cho đất nước", Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Các ý kiến tại Hội thảo hôm nay đều là những tâm huyết, những cách làm hay trong việc học tập và làm theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình. Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền về các điển hình tiêu biểu, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương cần cù, kiên trì, học không bao giờ cùng, đổi mới sáng tạo, học tập và làm theo Bác.
"Đề nghị các đồng chí, trong phạm vi, lĩnh vực công tác của mình, tăng cường chỉ đạo và đôn đốc việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đào tạo nên những cán bộ tốt, công dân tốt theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Phó Thủ tướng nêu rõ. Một người công dân tốt trong giai đoạn hiện nay sẽ đồng thời là một người công dân học tập với những năng lực số và khả năng sống thích ứng với môi trường số, trong một quốc gia chuyển đổi số.
"Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công dân đủ tài, đủ đức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thắng lợi", Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo Cổng TTĐT Chính Phủ
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020408057 |
Đang online: | 298 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||