Thứ 6, Ngày 1 Tháng 11 Năm 2024 |
Một là, bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật
Hoạt động cứu nạn, cứu hộ có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật. Theo đó, phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ quy định tại Chương IV dự thảo Luật bao gồm các tình huống sau đây:
- Cứu nạn, cứu hộ trong đám cháy;
- Cứu nạn, cứu hộ trong tình huống tai nạn, sự cố, bao gồm: Có người đuối nước; sập, đổ nhà, công trình, cây cối; do phương tiện, thiết bị gây ra; sạt lở đất, đá; tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các tai nạn, sự cố khác khi có yêu cầu;
- Tìm kiếm nạn nhân.
Hai là, bổ sung quy định áp dụng pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Điều 3 dự thảo Luật)
Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành chưa có quy định để phân định phạm vi điều chỉnh giữa Luật Phòng cháy, chữa cháy với các luật có liên quan. Theo đó, dự thảo Luật quy định là để phân định, xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với các luật khác có liên quan cũng đang quy định về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; cụ thể:
- Hoạt động phòng cháy, chữa cháy trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp đối với hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
- Hoạt động cứu nạn, cứu hộ trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm nạn nhân thì việc cứu nạn, cứu hộ thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đã được ban bố cấp độ phòng thủ dân sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự.
Ba là, bổ sung quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh theo hướng xác định cụ thể các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm lối thoát nạn khi có tình huống cháy, nổ xảy ra (Điều 19 dự thảo Luật).
Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh xảy ra cháy còn diễn biến phức tạp, khi cháy thường gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người, trong khi đó Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành chưa có quy định về các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng cháy, nổ xảy ra.
Bốn là, bổ sung quy định kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo hướng xác định cụ thể đối tượng, nội dung, phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (Điều 57 dự thảo Luật).
Để khắc phục vướng mắc, bất cập hiện nay khi Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành chưa có quy định cụ thể công tác kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; qua đó, tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; cụ thể:
- Về đối tượng kiểm tra, bao gồm: Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy; hộ gia đình; phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; công trình đang thi công xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Nội dung kiểm tra: Việc bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông; điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công; việc thực hiện, duy trì giải pháp kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở.
Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định. Việc bảo đảm và duy trì các điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy.
- Phạm vi, thẩm quyền kiểm tra: Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự kiểm tra việc bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông, công trình đang thi công xây dựng trong phạm vi quản lý.
Cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về điều kiện an toàn, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, hộ gia đình, phương tiện giao thông, công trình đang thi công xây dựng thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy.
Năm là, bổ sung quy định về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có hiệu lực thi hành (Điều 58 dự thảo Luật).
Để khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay khi Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành đang giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực thi hành; tuy nhiên, thực tế triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần phải được bổ sung bằng các quy định mới để tạo cơ sở pháp lý thực hiện bảo đảm tính khả thi.
Dự thảo Luật quy định theo hướng giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý; giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý; giao người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện. Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật thay thế thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Đội Pháp chế (trích đăng)
Tags: |
BÌNH LUẬN BÀI VIẾT |
THÔNG TIN CẢI CÁCH |
Tổng lượt truy cập: | 0020408013 |
Đang online: | 287 |
Đánh giá Website: |
PHÁP CHẾ, CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ TƯ PHÁP | ||||
|
||||