Tin giả, nhưng hậu quả là thật
Gần đây, ngày 17/01/2025 thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Gia Lai cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với đối tượng Đ.T.L (sinh năm 1983, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) về hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin xuyên tạc sai sự thật, vu khống xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân. Tại cơ quan Công an, ông Đ.T.L đã thừa nhận việc sử dụng tài khoản Facebook “L.T.L” đăng tải, chia sẻ các bài viết, video thông tin sai sự thật, xuyên tạc trên các hội nhóm. Hành vi của ông Đ.T.L được xác định là lợi dụng mạng xã hội để để cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Trước đó, ngày 06/5/2024 Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Gia Lai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng đối với ông N.M.S về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân (sử dụng tài khoản facebook cá nhân tên “Lâm Văn Nhân”) đăng tải, chia sẻ 15 bài viết có nội dung xấu độc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an.

Theo thống kê, từ năm 2022 đến nay Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Gia Lai đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 17 trường hợp với tổng số tiền 85 triệu đồng về các hành vi cung cấp, đăng tải và chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Ngoài ra, răn đe 15 trường hợp có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên không gian mạng.
Xử lý nghiêm hành vi phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật
Hiện nay các chế tài xử lý đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật trên không gian mạng đã được quy định tại Điều 8 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 9 Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 03/02/2020 của Chính phủ đã quy định xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, tần thông số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định các bộ xử lý hạn chế tương ương với từng đối tượng, từng nhóm hành vi cụ thể:
- Hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin, gây hoang mang trong Nhân dân sẽ phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (quy định tại Điều 100).
- Hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mao, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin thiết bị, gây hoang mang trong Nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (quy định tại Điều 101).
- Hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (quy định tại Điều 102).
Về chế tài xử lý hình sự, như: (1) Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015. (2) Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. (3) Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị xử lý về tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Hãy là người dùng mạng xã hội thông minh
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, xuất hiện nhiều trang mạng xã hội ngày càng gia tăng với khối lượng thông tin khổng lồ, tần suất lớn thì việc mỗi người dân cần xác định rõ việc lựa chọn khai thác, kiểm chứng thông tin trước khi ấn nút like, share và bình luận là việc rất quan trọng. Từ quá trình làm việc với các trường hợp vi phạm, bị xử lý, cơ quan Công an Gia Lai đề nghị mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết, chỉ tiếp thu thông tin từ báo, đài chính thống và các trang thông tin do cơ quan nhà nước quản lý, trang bị cho mình kiến thức về pháp luật và khả năng tự kiểm chứng, tự sàng lọc thông tin. Đồng thời, khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin thiếu kiểm chứng, không chính thống, sai sự thật làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang dư luận trong nhân dân.
Mạng xã hội là công cụ hữu ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bị lợi dụng để phát tán thông tin sai sự thật. Để bảo vệ bản thân và cộng đồng, thiết nghĩ mỗi cá nhân là người dùng mạng xã hội thông minh, tỉnh táo trong tiếp nhận và xử lý thông tin. Hãy theo dõi sát thông tin trên các kênh chính thống, không nghe theo, không lan truyền thông tin không xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Vũ Công